Sai lầm lớn của Tần Thủy Hoàng khiến hàng chục người con của ông phải chết thảm

Minh Nhật (theo 163) Thứ tư, ngày 04/08/2021 20:38 PM (GMT+7)
Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, hơn 30 người con của ông cũng bị giết hại, phải chết thê thảm. Nguyên nhân được cho là vì Tần Thủy Hoàng khi còn sống đã không tìm cách bảo vệ các con chu toàn.
Bình luận 0
Tần Thủy Hoàng tàn bạo nhưng lại không giết công thần, hậu quả là hàng chục người con của ông phải chết thảm - Ảnh 1.

Hình tượng Tần Thủy Hoàng trên màn ảnh Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Theo Sohu, nhiều hoàng đế trong lịch sử phong kiến Trung Quốc sau khi có được thiên hạ thường tàn sát các công thần từng vào sinh ra tử, cùng chung hoạn nạn giúp họ xây dựng đế nghiệp để củng cố quyền lực và bảo vệ con cháu.

"Thỏ khôn hết, chó săn bị mổ, chim bay cao hết, cung tốt bị vứt xó, nước địch phá xong, mưu thần bị giết"- đây là câu nói nổi tiếng từ thời Xuân Thu mô tả về việc này. Người nói câu này là Phạm Lãi khi ông khuyên Văn Chủng từ bỏ tước vị để tránh khỏi bị Việt Vương Câu Tiễn giết hại. Văn Chủng không nghe theo, về sau quả nhiên bị giết còn Phạm Lãi bỏ trốn và sống cuộc đời ẩn dật, vui thú với sông núi.

Ngoài Việt Vương Câu Tiễn, những vị hoàng đế tàn sát công thần nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc bao gồm Hán Cao Tổ Lưu Bang, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương...

Theo đó, sau khi Lưu Bang thống nhất được thiên hạ, đại công thần số 1 Hàn Tín - vị nguyên soái nắm trong tay binh quyền cực lớn, từng lập nhiều chiến công hiển hách liền bị giết; các công thần khác cũng không tránh khỏi kết cục thảm khốc tương tự.

Còn Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương nổi tiếng là vị hoàng đế giết nhiều công thần nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc khi xuống tay giết hại một loạt công thần, lão tướng như Hồ Duy Dung, Lý Thiện Trường, Lục Trọng Đình, Đường Thắng Tông...

Lưu Bang làm vậy là để bảo vệ ngai vị của mình và giúp thái tử Lưu Doanh vốn nhu nhược, kém tài không trở thành con rối trong tay các công thần. Chu Nguyên Chương cũng ra tay tàn độc vì lo sợ thái tử Chu Tiêu bản chất trung hậu, hiền lành không thể trấn áp được các lão tướng quyền uy mạnh mẽ.

Nổi tiếng tàn bạo, giết hại nhiều người vô tội, tuy nhiên Tần Thủy Hoàng ( 259 TCN - 210 TCN) lại không sát hại công thần. Những mưu sĩ, danh tướng từng đi theo ông chinh phạt 6 nước, thống nhất Trung Quốc như Lý Tư, Vương Tiễn, Vương Bí, Mông Ngao, Mông Vũ, Mông Điềm, Lý Tín... đều được trọng dụng, có địa vị cao trong triều.

Tuy nhiên, sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà vào năm 210 TCN, vì muốn thâu tóm quyền lực, lũng đoạn triều chính, tả thừa tướng Lý Tư đã thông đồng với Triệu Cao mưu giết con trai trưởng của Tần Thủy Hoàng là Phù Tô - người theo lý sẽ kế vị ngai vàng (khi còn sống Tần Thủy Hoàng chưa lập Phù Tô hay bất cứ người con nào làm thái tử). Lý do là Phù Tô thích lão tướng Mông Điềm, người mà Lý Tư và Triệu Cao không thích. Họ sợ rằng nếu Phù Tô lên ngôi, thì quyền lực của họ sẽ mất, tất cả sẽ rơi vào tay Mông Điềm.

Theo đó, Triệu Cao và Lý Tư đã phá bức thư của Tần Thủy Hoàng gửi cho Phù Tô, bịa đặt ra chuyện thừa tướng Lý Tư nhận được tờ chiếu thư của Tần Thủy Hoàng trước khi chết bảo lập Hồ Hợi (con thứ) làm thái tử. Sau đó, bọn Triệu Cao làm giả một bức thư khác của Tần Thủy Hoàng gửi cho Phù Tô và tướng Mông Điềm kể tội hai người, ép hai người này tự sát.

Phù Tô một lòng trung hiếu nên đọc thư xong bèn tự vẫn, nhưng Mông Điềm thì nghi ngờ nên không chịu chết. Cuối cùng bị bắt mang về giam ở Dương Châu.

Sau khi Hồ Hợi lên ngôi, tức là Nhị Thế hoàng đế, Triệu Cao và Lý Tư lại tiếp tục xúi giục ông ta giết hại các anh chị em của mình.

Theo sử sách ghi lại, Hồ Hợi đã giết tổng cộng 32 anh chị em của chính mình. Mà Hồ Hợi cuối cùng cũng bị Triệu Cao mưu giết. Nếu Tần Thủy Hoàng biết sau khi ông chết, hàng chục con trai, con gái của ông bị gian thần hãm hại và chết thê thảm, chắc chắn ông sẽ hối tiếc vì đã không giết Lý Tư và Triệu Cao.

Theo 163, sở dĩ Triệu Cao có thể lũng đoạn triều chính, điều khiển Nhị Thế hoàng đế phần lớn là do được Lý Tư nâng đỡ. Lý Tư ban đầu không phải là người xấu, nhưng vì lợi ích của bản thân, cộng với sự dụ dỗ của Triệu Cao, ông ta đã không giữ được bản thân. Kết quả là, Triệu Cao và Lý Tư trở thành bè đảng, lũng đoạn triều chính, khiến nhà Tần sụp đổ chỉ sau khi Tần Thủy Hoàng chết được 3 năm. Mà Lý Tư sau này cũng bị Triệu Cao hãm hại, phải chết thảm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem