|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Ngay sau phiên bế mạc Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng, đã chủ trì cuộc họp báo, trao đổi thẳng thắn với báo chí một số vấn đề sau khi nhậm chức.
Cùng tham gia chủ trì còn có đồng chí Tô Huy Rứa, UVBCT, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đinh Thế Huynh, UVBCT, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân và một số đồng chí lãnh đạo Văn phòng T.Ư Đảng, Ban Đối ngoại T.Ư Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mở đầu cuộc họp báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt hoan nghênh, chào mừng và cảm ơn các nhà báo trong thời gian vừa qua đã làm việc hết sức nỗ lực, khẩn trương góp phần vào thành công Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Trong bối cảnh có rất nhiều sự kiện diễn ra một lúc, trong sự quan tâm của bạn bè quốc tế và toàn thể cán bộ, Đảng viên, nhân dân trong nước, chúng ta đã hoàn thành chương trình của Đại hội XI theo đúng tiến độ, đúng quy chế và đạt được kết quả thành công rực rỡ".
Trong buổi họp báo, trả lời báo điện tử Vietnamnet về vấn đề triển khai chất vấn trong Đảng, Tổng bí thư khẳng định:
"Hoạt động chất vấn là một trong những hình thức bảo đảm tính dân chủ, cho đến nhiệm kỳ Đại hội lần thứ X vừa rồi, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương chất vấn cả trong các kỳ họp Trung ương. Vừa rồi chất vấn trong Đảng còn hơi ít, tôi đoán là do khác với chất vấn ở bên Quốc hội.
Chất vấn ở Quốc hội là những vấn đề hàng ngày sôi động, nóng bỏng, thiết thân liên quan đến đời sống của nhân dân, đến an sinh xã hội, nhiều nội dung bức xúc. Còn bàn ở Trung ương Đảng là bàn những quyết sách lớn, những chủ trương chiến lược nên thực ra hỏi cũng khó.
Hiện nay thì chưa có chất vấn nhiều nhưng tôi tin rằng sắp tới, theo sự phát triển chung, thì cần có hình thức chất vấn ở trong Đảng. Vấn đề là chúng ta phải xây dựng quy chế như thế nào, tạo điều kiện cho mọi người cùng sinh hoạt một cách dân chủ, trao đi đổi lại thẳng thắn. Chất vấn có tác dụng rất tốt, chí ít là để cho đôi bên hiểu lẫn nhau và gợi cho nhau cùng thấy trách nhiệm và cùng tìm ra giải pháp".
Khi báo Tuổi trẻ TP.HCM hỏi: "Trên cương vị mới, Tổng Bí thư sẽ thăm nước nào đầu tiên?", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hóm hỉnh: "Tôi vừa nhận nhiệm vụ xong, bây giờ nghe mọi người gọi Tổng Bí thư vẫn còn ngượng, chưa quen tai nên tôi chưa kịp nghĩ tới việc này. Chắc sau này cũng phải đi, nhưng đi đâu thì còn có Ban đối ngoại, Bộ Ngoại giao sắp xếp và xem các nước họ có mời hay không đã chứ".
Về việc sẽ quan tâm và tạo dấu ấn của mình trên lĩnh vực nào trong nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư thẳng thắn:
"Tôi làm gì không nghĩ tới mục đích là tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình. Trách nhiệm của người Đảng viên, người cán bộ là phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Đảng. Cứ làm cho tốt Nghị quyết của Đảng đã là tốt rồi. Đương nhiên trong khi phát triển toàn diện, triển khai thực hiện toàn diện các văn kiện của Đảng thì phải có trọng tâm thực hiện. Chủ đề của Đại hội là "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng". Đấy là việc mà trước hết Tổng Bí thư và Ban chấp hành Trung ương phải lo.
Ngoài ra, vấn đề xây dựng Đảng bây giờ đang được nhân dân rất quan tâm. Rồi vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những bài học rút ra từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đến giờ là xây dựng khối đoàn kết. Chăm lo xây dựng khối đoàn kết là vấn đề chiến lược. Rồi đẩy mạnh hoàn thiện công cuộc đổi mới, không chỉ là kinh tế. Và quan trọng là phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Báo Pháp luật TP.HCM đưa ra ý kiến của một số đại biểu cho rằng quá trình thảo luận nhân sự rất dân chủ, tuy nhiên kết quả các đại biểu trúng cử hầu hết là danh sách do Trung ương chuẩn bị. Vì thế có những đại biểu được đề cử, ứng cử bổ sung suy nghĩ rằng cơ hội của họ ít quá.
Với câu hỏi này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời: "Trung ương chuẩn bị danh sách nhân sự bằng cả một quá trình công phu. Các cơ quan, tổ chức, bộ máy đều phải nghiên cứu, đề xuất, thẩm tra, đánh giá toàn diện để cung cấp thông tin về danh sách được giới thiệu.
Có những người ra Đại hội mới giới thiệu thì chưa thể biết công tác ra sao, mặt mũi thế nào, mà cũng chỉ có một hai ý kiến giới thiệu thôi, trong khi danh sách của Trung ương chuẩn bị trải qua bao nhiều vòng giới thiệu rồi chốt danh sách và để số dư đến mức như thế.
Lâu nay nhiều người vẫn nói vui là giới thiệu để có "quân xanh, quân đỏ" nhưng trên thực tế đâu phải thế. Có trường hợp giới thiệu tại Đại hội vẫn trúng nhưng ngược lại có trường hợp Trung ương giới thiệu nhưng không vào được. Tôi đếm ra có 7 trường hợp Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử, mặc dù số phiếu quá bán. Điều đó cho thấy có dân chủ và có khách quan. Tôi là đại biểu chính thức 5 khóa rồi nhưng chưa thấy khóa nào giới thiệu nhiều như khóa này và tất cả đều vào danh sách".
Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.