Tăng cơ hội xuất khẩu thủy sản sang Mỹ

Khải Huyền Thứ hai, ngày 24/09/2018 06:30 AM (GMT+7)
Chỉ trong 4 ngày đầu tháng 9, ngành thủy sản Việt Nam liên tiếp đón tin vui từ thị trường Mỹ khi mức thuế chống bán phá giá cho tôm, cá tra đều giảm đáng kể. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, đây có thể coi là một trong những cơ hội để tăng xuất khẩu vào Mỹ.
Bình luận 0

4 ngày 3 “tin vui”

Những ngày qua, tôm cá Việt Nam liên tục nhận tin vui từ thị trường Mỹ. Ngày 10.9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12, giai đoạn từ 1.2.2016- 31.1.2017) là 4,58% cho Công ty Fimex (Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, bị đơn bắt buộc); mức thuế áp dụng cho tất cả các công ty khác cũng bằng Fimex.

img

Tôm, cá tra đang có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ.   Ảnh: T.L 

Như vậy, mức thuế CBPG tôm Việt Nam tại Mỹ đã giảm từ trên 25% xuống chỉ còn dưới 5%. Đây được xem như một thắng lợi bước đầu của ngành tôm Việt Nam sau nhiều năm bị “kiện cáo” tại thị trường Mỹ.

Chỉ 3 ngày sau đó, cũng chính DOC cũng ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2016 đến 31.7.2017 đối với sản phẩm cá tra - basa của Việt Nam. Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó POR13.

Tiếp đó, ngày 14.9, Cục Kiểm tra an toàn Thực phẩm (FSIS, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) đề xuất công nhận hệ thống quản lý ngành cá Việt Nam tương đương với Mỹ, đồng nghĩa với việc Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào thị trường này.

img

Đây thực sự là những tin vui cho ngành tôm, cá tra Việt Nam. Riêng với cá tra, việc được FSIS đề xuất công nhận là một nỗ lực lớn của toàn ngành khi trước đó, luật Farmbill, sau đó là chương trình thanh tra cá da trơn khiến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh từ giữa năm 2017 đến nửa đầu năm nay.

Cơ hội mở rộng xuất khẩu

Ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, việc FSIS đề xuất công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ chứng minh quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam được tổ chức kiểm soát tốt và hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh cá tra Việt Nam không chỉ riêng ở thị trường Mỹ mà còn ở các thị trường nhập khẩu khác hiện nay.

Dù có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ nhưng trên thực tế, tôm, cá Việt Nam vẫn đang phải từng ngày “chiến đấu” khó khăn tại thị trường này. Riêng cá tra, đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết (cod), cá lưỡi trâu, cá minh thái…

Theo ông Hoè, với cơ chế công nhận tương đương như hiện nay, khi có những biến động lớn, Mỹ vẫn có thể ngừng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Do vậy, song song với việc cố gắng để được công nhận tương đương, Việt Nam đã nộp đơn khiếu kiện chương trình thanh tra cá da trơn và yêu cầu tham vấn tới Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

“Chương trình thanh tra cá da trơn không chỉ quá khắc nghiệt mà còn vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) theo thoả thuận WTO giữa các quốc gia với nhau. Do vậy, chỉ khi WTO phán quyết biện pháp này không phù hợp với thoả thuận của WTO và bãi bỏ thì lúc đó các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ mới thực sự yên tâm” - ông Hòe nhận định.

Về rào cản thuế chống bán phá giá, hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ chịu mức thuế suất cao nhất kể từ trước đến nay trong POR13, ở mức 3,87 USD/kg. Mức thuế này khiến Việt Nam chỉ còn 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Trong khi, mức thuế trong POR14 vừa được công bố mới là kết quả sơ bộ. Do vậy, từ nay đến cuối năm 2018, sẽ khó có thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy ngành cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuỗi.

Còn theo ông Lực, cần kiểm soát hệ thống cung ứng tôm giống chặt chẽ hơn, thực hiện các vùng nuôi lớn, quy mô trang trại theo chuẩn quốc tế trên cơ sở thành lập HTX nuôi hoặc tích tụ ruộng đất. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm Việt Nam, vì hiện nay mức giá thành của Việt Nam vẫn còn cao, trên 1USD/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem