Theo ông Trung, tháng 6.2014, tổng số khách hàng của Hà Nội có sản lượng điện tiêu thụ tăng trên 1,5 lần so với tháng 5 chiếm 34% khách hàng sinh hoạt, trong đó số khách hàng sinh hoạt có sản lượng điện tiêu thụ tăng 2 lần so với tháng 5 chiếm 17% (khoảng 2 triệu khách hàng). Ông Trung nhấn mạnh, chu kỳ làm hóa đơn tiền điện trùng với đợt nắng nóng- 3 đợt nắng nóng cao điểm (cuối tháng 5 đầu tháng 6) hội tụ nhiều yếu tố đột biến làm sản lượng điện tiêu thụ ở các hộ gia đình tăng cao.
Trong tháng 5.2014 EVN Hà Nội đã phúc tra được trên 21.385 công tơ, tháng 6 trên 35.018 công tơ. Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra 5 bộ hồ sơ phúc tra và 31 công tơ điện có mức tăng đột biến. Kết quả cũng chưa phát hiện trường hợp nào sai sót trong việc ghi chép chỉ số công tơ điện. Về công tác tính toán hóa đơn tiền điện qua kiểm tra hồ sơ, đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng thấy rằng: Mọi thắc mắc và kiến nghị của khách hàng trong tháng 6 đều đã được tính toán đúng. Đợt kiểm tra cũng cho thấy, trong quá trình ghi chỉ số công tơ hiện nay, các công nhân ghi chỉ số không thông báo kịp thời cho khách hàng. Đây chính là mấu chốt dẫn tới bức xúc. Công tác thông tin tuyên truyền của ngành điện đến người dân còn nhiều hạn chế.
Sau sự việc này, EVN Hà Nội đã yêu cầu tăng cường kiểm tra công tác ghi chỉ số công tơ; xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai sót chỉ số công tơ, tính toán hóa đơn tiền điện.
EVN Hà Nội đã có văn bản gửi các công ty điện lực yêu cầu tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý công tác ghi chỉ số công tơ và tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Theo đó, có ý kiến của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tăng, các công ty điện lực phải chủ động khẩn trương xác minh và giám đốc công ty điện lực phải trực tiếp giải quyết và trả lời khách hàng trong thời gian sớm nhất. Những trường hợp sai sót chỉ số công tơ, sai trong việc tính toán hóa đơn tiền điện phải xử lý nghiêm và công khai. Tiếp tục thực hiện hình thức nhắn tin thông báo sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện trong tháng để khách hàng biết và kiểm tra…
Có thể nói, sự kiện “hóa đơn điện tăng đột biến” vừa qua là bài học kinh nghiệm lớn cho ngành điện trong vấn đề tạo lòng tin với người tiêu dùng. Bởi từ lâu người dân ít quan tâm đến công tơ và chỉ số điện đầu cuối, thời gian ghi chỉ số điện mà chỉ quan tâm xem mình dùng hết bao nhiêu tiền điện. Người dân cho rằng, để không còn tình trạng này, thì ngành điện cần nâng cao chất lượng dịch vụ, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ nhân viên, đặt ra các quy định, chế tài nâng cao trách nhiệm và xử phạt thật nghiêm minh, công khai các vi phạm. Ngành điện nên hướng dẫn cách tính lượng điện tiêu thụ cho thiết bị thông thường trong nhà, kể cả trường hợp nắng nóng bất thường. Như vậy người dân có thể tự ước tính được lượng điện tiêu thụ/tháng mà không quá phụ thuộc vào công tơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.