Đóng ít, khám nhiều
Ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, sau 11 năm thực hiện, Luật BHYT (2008) đã trải qua 1 lần sửa đổi vào năm 2014 cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, trong 5 năm qua việc khám chữa bệnh, mô hình bệnh tật cũng đã có quá nhiều thay đổi. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, năm nào Quỹ BHYT cũng bội chi. Nhưng hiện nay Quỹ BHYT kết dư là 37.000 tỷ đồng, nhưng số dư này là dư từ các năm trước còn lại và quỹ dự phòng, nhưng con số này sẽ duy trì không bao lâu nữa và lộ trình là phải tăng giá bán BHYT.
Các nguyên nhân gây gia tăng chi phí BHYT được ông Khảm lý giải là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế giá dịch vụ y tế cao hơn nhiều so với năm 2014, mức đóng BHYT thấp nhưng quyền lợi thì mở rộng, phương thức thanh toán theo dịch vụ, sử dụng dịch vụ chưa hợp lý. Ngoài ra cũng còn một số yếu tố khác khiến cho chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao như chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật (xét nghiệm cận lâm sàng, X-quang, thăm dò chức năng) quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh; thực hiện mua sắm vật tư y tế, hóa chất sử dụng cho các dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định của pháp luật; chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh không cần thiết phải điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú…
Người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng BHYT tại bệnh viện. (ảnh: Diệu Linh)
Về lý do cần sửa đổi Luật BHYT, ông Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, với thực tiễn phát triển nhanh chóng, việc thực hiện BHYT đã và đang đặt ra một số vấn đề cần điều chỉnh luật nhằm hướng tới mục tiêu phát triển BHYT bền vững hơn, tiếp tục mở rộng diện bao phủ BHYT tới các nhóm chưa tham gia, điều chỉnh mức đóng để phù hợp hơn với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân…
Tăng mức đóng lên 6% lương cơ sở
Trong dự thảo sửa đổi Luật BHYT lần này, Bộ Y tế đã mạnh dạn đưa ra nhiều thay đổi lớn. Dự thảo dự định sẽ trình Quốc hội phê duyệt vào đầu năm 2021 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2022.
Đáng chú ý nhất là nâng mức đóng BHYT hàng tháng từ 4,5% lương cơ sở như hiện nay lên 6% lương cơ sở. Đối với BHYT bắt buộc, người lao động đóng 1/3 và chủ sử dụng lao động đóng 2/3. Như vậy, nếu mỗi năm lương cơ sở tăng gần 100.000 đồng, đến năm 2022, lương cơ sở là 1.790.000 đồng, mức đóng BHYT 6% lương là hơn 107.000 đồng/tháng, cả năm ước tính khoảng gần 1,3 triệu đồng/thẻ BHYT.
Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm từ gần 50% xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi”.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn |
Ngoài ra, sửa đổi Luật BHYT cũng quy định, đối với BHYT tự nguyện mua theo hộ gia đình sẽ phải tham gia cùng lúc cả gia đình chứ không phải thích mua bao nhiêu người thì mua. Đồng thời, từ người thứ 2 tham gia trở đi, mức đóng sẽ bằng 80% mệnh giá thẻ. Trong khi đó theo hiện hành, từ người mua thứ 2 chỉ đóng bằng 70% mệnh giá thẻ, người thứ ba là 60%, người thứ tư là 50%, người thứ năm là 40%...
Một thay đổi khác liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT tại dự thảo này, khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến chỉ được thanh toán 95% chi phí thay vì 100% như hiện hành.
Theo ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), thành viên Ban Soạn thảo dự thảo sửa đổi Luật BHYT, việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT khác, nhất là nhóm học sinh - sinh viên. Hiện đối tượng này đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, trong khi đó với những gia đình đông thành viên, mức hỗ trợ tối đa lên tới 70%. Hơn nữa theo đại diện Bộ Y tế, hầu hết những người tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhóm có điều kiện kinh tế, không phải là đối tượng nghèo, cận nghèo, trong khi mức đóng lại thấp hơn nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ là không công bằng.
Với những thay đổi trong dự thảo, ông Lê Văn Thanh – Phó Giám đốc BHXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) rất lo lắng. Ông Thanh cho biết, việc nâng mức đóng BHYT là đúng, tuy nhiên cần tăng từ từ chứ không thể “đùng một cái” tăng lên mức lớn như vậy. Đồng thời, việc yêu cầu cả gia đình cùng phải tham gia BHYT một lúc cũng gây khó khăn lớn cho việc vận động người dân tham gia BHYT.
“Chúng tôi đi làm thực tế nên biết. Nói là người chưa tham gia BHYT đều là người thu nhập trung bình, tuy nhiên cũng chỉ đủ ăn. Để vận động được họ tham gia BHYT, chúng tôi đều rất cởi mở, động viên người dân có đủ tiền đóng cho 1-2 người thì tham gia trước, nếu chỉ đủ đóng 3 tháng hay 6 tháng 1 chúng tôi cũng thu. Khi người dân thấy được lợi ích của thẻ BHYT họ sẽ cố gắng tham gia đầy đủ. Nếu theo dự thảo sửa đổi như hiện nay, yêu cầu cả nhà 5-6 người cùng tham gia BHYT, mức đóng 6% lương, số tiền lên đến gần chục triệu đồng không hề nhỏ. Sẽ không ít gia đình phải bỏ tham gia BHYT” – ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, toàn huyện Bố Trạch hiện mới có 85,5% người dân tham gia BHYT. Người nghèo, người cận nghèo đều đã tham gia hết, 15% người dân chưa tham gia cũng đều có thu nhập trung bình nhưng họ vẫn ngần ngại mua thẻ BHYT. “Thay đổi nên thay đổi từ từ, nếu không sẽ khó khăn cho việc vận động người dân hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân” – ông Thanh nói.
Đại diện BHXH tỉnh Nam Định cũng cho biết, hiện nay, nếu cả nhà tham gia BHYT với mức giảm trừ từ người thứ hai là 70%, 60%, 50% thì tổng tiền chỉ là hơn 2,2 triệu đồng, người nông dân có thu nhập trung bình có thể cố được. Còn nếu tăng lên 6% lương cơ sở và mức giảm trừ chỉ 80% cho người thứ 2 trở đi thì cả nhà 4 người tham gia BHYT cần hơn 4 triệu đồng. Đó là chưa kể đến 2022 khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, lương cơ sở tăng lên, mức đóng sẽ là 6-7 triệu đồng. “Đây là số tiền lớn đối với người dân có mức sống trung bình. Sẽ nhiều gia đình gặp khó khăn và không tham gia BHYT” - vị đại diện này cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.