Không mới
Theo luật sư Hà Thanh Vân – Phó ban Luật pháp chính sách (Hội LHPN Việt Nam), không phải bây giờ mới có xử phạt vi phạm hành chính về hành vi có vợ chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác (tạm gọi là ngoại tình) hoặc “biết người ta có vợ con mà vẫn chung sống như vợ chồng với người đó”. Trước đây, nghị định xử phạt của Luật Hôn nhân - Gia đình cũng đã có điều xử phạt từ 100.000-500.000 đồng đối với hành vi ngoại tình.
Cũng có nhiều người (kể cả đàn ông hay phụ nữ) đòi được “quyền lợi” của mình khi bắt chồng (vợ) nộp phạt. Tuy nhiên, phạt xong thì chồng (vợ) vẫn ngựa quen đường cũ. Thậm chí, họ có lý do để ly hôn vì “làm vợ chồng với nhau mà quá đáng, đi kiện chồng, làm chồng mất mặt” và người thân trong gia đình cũng quay lưng lại với chính người bị cắm sừng.
Ngoài ra, bà Vân cũng cho biết, khó chứng minh được vợ (chồng) chung sống như vợ chồng với người khác vì Điều 147 Bộ luật Hình sự lại quy định “Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”. Trong khi, hành vi ngoại tình có thể chỉ là “đi nhà nghỉ”.
Tính răn đe bị vô hiệu hóa
Còn ông Kiều Đình Minh – Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, nếu như Dự thảo Nghị định này quy định Chủ tịch UBND xã, phường sẽ đi “ký lệnh” xử phạt và thu tiền đối với hành vi ngoại tình thì cũng khó thực hiện.
“Chỉ vài câu chung chung như vậy thì chúng tôi khó có bằng chứng, cơ sở để xử phạt, mà phạt họ chây ì không nộp thì cũng khó bắt giam hay cưỡng chế. Họ cãi bay cãi biến thì mình lấy ai đi theo để bắt quả tang” – ông Minh cho biết.
“Trong Dự thảo Nghị định chỉ nói đến xử phạt mà chưa có văn bản luật nào quy định quyền lợi của người bị “cắm sừng”. Không thể chỉ xử phạt mà không nói đến quyền lợi của người bị tổn thương”.
Luật sư Nguyễn Văn Tú - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang
Còn ông Nguyễn Ngọc Chính – Chủ tịch UBND xã Bình Khánh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cũng cho rằng, nếu có người tố cáo thì phải có quá trình làm thủ tục, xác minh, ai sẽ chui vào nhà nghỉ, vào nhà riêng để chứng minh họ “chung sống như vợ chồng”. Hơn nữa, xưa nay cấp xã mới xử phạt hành chính ở mức 2 triệu đồng trở xuống, nay số tiền lớn như vậy thì cũng hơi khó.
Theo bà Vân, có không ít quy định pháp luật với mục đích khá tốt đẹp nhưng trên thực tế lại không áp dụng được và khi không xử phạt được thì tính răn đe cũng bị vô hiệu hóa cho dù mức tiền phạt có cao đến đâu.
Bà Vân cho biết: “Không chỉ khó tìm bằng chứng mà việc ngoại tình cũng là vấn đề tình cảm, khó dùng tiền để giải quyết hoặc dùng luật để “đe dọa”. Việc ngoại tình cũng hết sức lắt léo, đa dạng, mỗi gia đình một hoàn cảnh, không có công thức chung. Nếu không hướng dẫn, giải thích cặn kẽ, gọi tên các hiện tượng một cách cụ thể thì đối tượng có thể cãi băng đi, người thực thi cũng lúng túng”.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.