Tăng thuế nhà giàu, tăng lương dân lao động

Thứ ba, ngày 08/05/2012 06:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Hollande đã cam kết sẽ là “một tổng thống bình dân”, tương phản với lối sống xa hoa của người tiền nhiệm Sarkozy.
Bình luận 0

Với số phiếu nhận được là 52%, ông Francois Hollande - ứng cử viên Đảng Xã hội đã chính thức trở thành tân Tổng thống của nước Pháp. Đương kim Tổng thống N.Sarkozy đã thừa nhận thất bại với số phiếu 48% trong cuộc bầu cử vòng 2 kết thúc lúc rạng sáng 7.5 (giờ VN).

Tổng thống bình dân

Với kết quả này, lần đầu tiên sau 17 năm cánh hữu nắm quyền, nước Pháp có một nhà lãnh đạo Đảng Xã hội cầm quyền kể từ sau Tổng thống Francois Mitterrand. Trong khi đó, ông Sarkozy đã trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên kể từ năm 1981 chỉ tại vị duy nhất 1 nhiệm kỳ.

img
Tân Tổng thống Hollande và nụ hôn mừng chiến thắng với bạn gái Valérie.

Ông cũng là nhà lãnh đạo thứ 11 của châu Âu thất cử do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu. Phát biểu trước đám đông cử tri, ông Sarkozy thừa nhận thất bại và cho rằng: “Nhân dân Pháp đã chọn lựa, Francois Hollande là Tổng thống Pháp và ông ấy phải được tôn trọng”.

Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, những dòng người ủng hộ Hollande đã xuống đường nhảy múa chúc mừng chiến thắng của ông tại quê nhà Tulle và ở thủ đô Paris. Sau khi trở thành Tổng thống, ông Hollande sẽ phải thực hiện một loạt cam kết mà ông đã đưa ra với người dân Pháp trong suốt thời gian tranh cử. Ông đã cam kết sẽ tái đàm phán về hiệp ước “thắt lưng buộc bụng” mà các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết hồi tháng 3.2012.

Ông Hollande cũng đã cam kết sẽ là “một tổng thống bình dân”, tương phản với lối sống xa hoa của người tiền nhiệm Sarkozy. Ông Hollande cho biết ông sẽ nhanh chóng thực thi chương trình thuế và chi tiêu truyền thống của Đảng Xã hội, vốn là chương trình kêu gọi tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và giới nhà giàu có thu nhập trên 1 triệu euro (1,3 triệu USD) mỗi năm, tăng lương tối thiểu cho người lao động, hạ tuổi hưu từ 62 tuổi xuống 60 tuổi và tạo việc làm cho khoảng 60.000 giáo viên.

Với tất cả những mong muốn để trở thành một "Tổng thống bình dân" như nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, chắc chắn ông Hollande đang được người dân Pháp đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi, mang lại một diện mạo khả dĩ hơn cho nước Pháp trên bình diện đối nội và đối ngoại. Ngay trong bài diễn văn đầu tiên, ông Hollande tuyên bố: "Tôi cam kết phụng sự đất nước với thái độ tận tụy và gương mẫu".

Thách thức đón đợi

Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng, ông Hollande sẽ gặp khó khăn trong lãnh đạo đất nước do thiếu kinh nghiệm chính trường. Hollande đã có 30 năm làm nghị sĩ và lãnh đạo Đảng Xã hội. Tuy nhiên, ông chưa được biết đến nhiều dưới vai trò của một chính trị gia bởi ông chưa bao giờ nắm giữ vị trí hàng đầu trong chính phủ. Sau niềm vui chiến thắng, là hàng loạt những thách thức đang đón đợi ông Hollande.

Trước mắt là việc lựa chọn, định hình một chính phủ mới đoàn kết với Thủ tướng và các vị bộ trưởng đủ tâm, đủ tầm để dẫn nước Pháp vượt qua chặng đường khó khăn, tạo động lực và cảm hứng dẫn dắt châu Âu vượt qua cơn khủng hoảng.

Ông Hollande sinh ngày 12.8.1954 tại thành phố Rouen, Tây Bắc nước Pháp. Khi còn là sinh viên, ông đã tham gia các hoạt động chính trị và gia nhập Đảng Xã hội từ năm 1979. Ông Hollande từng làm cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Mitterrand. Năm 1997, ông trở thành lãnh đạo Đảng Xã hội thay thế ông Lionel Jospin và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 1 thập kỷ.

Ngoài ra, ông Hollande cũng phải giải quyết một loạt các chương trình, kế hoạch ngắn, trung và dài hạn sẽ được đề ra và triển khai, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, sức mua, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng lượng việc làm mới cho lớp trẻ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách.

Ông Hollande cho rằng biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không còn là sự lựa chọn duy nhất đối với châu Âu và ông có trách nhiệm tạo dựng tương lai cho Liên minh châu Âu (EU) bằng tăng trưởng kinh tế, việc làm và sự thịnh vượng. Ông cam kết sẽ thông báo ý tưởng này với tất cả các nhà lãnh đạo khác trong EU, trước hết là Đức.

Ngay sau khi ông Hollande được tuyên bố thẳng cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã gửi điện chúc mừng. Thủ tướng Anh David Cameron gọi điện cho ông Hollande khẳng định sẽ hợp tác với người đứng đầu Đảng Xã hội để thúc đẩy quan hệ Anh-Pháp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời ông Hollande đến thăm Đức. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy gửi điện mừng tới ông Hollande, bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ song phương và mối quan hệ trong EU sẽ phát triển theo hướng có lợi cho mối quan hệ giữa Tây Ban Nha và Pháp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama mời ông Hollande đến Nhà Trắng vào cuối tháng này, đồng thời tỏ ý sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng thống tương lai của Pháp và Chính phủ dưới quyền ông để giải quyết các vấn đề thách thức kinh tế và an ninh mà hai bên cùng quan tâm.

Tổng thống độc thân

Trên danh nghĩa, ông Hollande hiện vẫn độc thân như bao năm qua, cho dù năm nay ông đã 58 tuổi và có 4 con. Ông Hollande từng chung sống với bà Ségolène Royal - người cách đây 4 năm đã để tuột cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Pháp.

Bà Ségolène Royal và ông Hollande quen biết nhau từ những năm 1970 khi học chung Trường Quốc gia Hành chính, rồi sống chung với nhau và có đến 4 mặt con. Song ngay khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2007 vừa kết thúc, ông Hollande chia tay bà Ségolène Royal để xuất hiện với bà Valérie Trierweiler - một nhà báo chuyên phỏng vấn về chính trị khá nổi tiếng. Bà Valérie đã ly hôn và có 3 người con.

Ông Hollande sẽ vào điện Elysee, nhưng người dân Pháp vẫn chưa thực sự được biết ai sẽ là “Đệ nhất phu nhân Pháp”. Mọi đồn đoán cho rằng, bà vợ cũ Ségolène Royal sẽ là một bộ trưởng trong nội các của ông Hollande, còn bà Valérie Trierweiler sẽ là đệ nhất phu nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem