Con số giật mình: 40% hợp tác xã giảm trên 50% doanh thu do dịch Covid-19
Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài 5): Hợp tác xã “vượt khó”
Khánh Nguyên (ghi)
Thứ bảy, ngày 16/10/2021 06:25 AM (GMT+7)
Đánh giá về khả năng phục hồi sản xuất sau dịch của các hợp tác xã, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) khẳng định, các hợp tác xã (HTX) hoàn toàn có khả năng đáp ứng được nhu cầu lương thực thực phẩm tăng cao dịp cuối năm và phục vụ xuất khẩu.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó ngành nông nghiệp đã chịu những tác động không nhỏ khi chuỗi cung ứng nhiều nơi bị đứt gãy. Ông đánh giá những tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của các hợp tác xã như thế nào?
- Phải thừa nhận, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của nhiều hợp tác xã khi tiêu thụ sản phẩm khó khăn, trong khi chi phí vật tư đầu vào tăng cao do khâu lưu thông, vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.
Theo khảo sát của chúng tôi ở những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, doanh thu của các hợp tác xã bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong đó, có đến 40% hợp tác xã cho biết đã giảm đến trên 50% doanh thu trong năm nay; khoảng 30% hợp tác xã giảm từ 30 -50% doanh thu; còn lại là các hợp tác xã bị giảm dưới 20% doanh thu.
"Các HTX đang gặp nhiều khó khăn do khâu lưu thông, vận chuyển, giá cả đầu vào cao. Nếu khắc phục được những điều này, chắc chắn các HTX sẽ phục hồi sản xuất mạnh mẽ trong thời gian tới".
Ông Lê Đức Thịnh
Nhiều hợp tác xã buộc phải sản xuất cầm chừng, giảm công suất, nhiều hợp tác xã sản xuất gia cầm giống buộc phải bán trứng giống thành trứng thương phẩm; có nhiều hợp tác xã sản xuất kinh doanh giống cây trồng gặp khó khăn trong công tác kiểm định, kiểm tra chất lượng giống do dịch bệnh khiến việc đi lại bị hạn chế.
Trong khi đó, giá cả vật tư đầu vào tăng quá cao, có những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 50 – 70% so với hồi đầu năm càng gây khó khăn cho bà con và hợp tác xã trong quá trình sản xuất.
Theo ông, Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã có tác động như thế nào trong bối cảnh dịch Covid-19?
- Có thể khẳng định, các giải pháp của Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 105 đã giúp các hợp tác xã rất nhiều vấn đề để phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Nếu thực hiện tốt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; giãn nợ, khoanh nợ ngân hàng; thực hiện miễn thuế, phí, giải quyết tốt các vấn đề về y tế cho người lao động thì chắc chắn hợp tác xã cũng như doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ vượt qua khó khăn.
Khi các thị trường mở cửa và nối lại, hợp tác xã đóng vai trò là đầu vào cho chuỗi, do vậy cần phải đảm bảo không để chuỗi đứt đoạn.
Bản thân các hợp tác xã về lâu dài cũng cần khắc phục khó khăn bằng cách đi vào sản xuất theo chuỗi giá trị.
Từ kinh nghiệm của các hợp tác xã thành công cho thấy, nếu hợp tác xã xây dựng thương hiệu, sản phẩm có chất lượng thì ảnh hưởng của dịch thấp hoặc ít bị ảnh hưởng, chuỗi không bị đứt gãy.
Ngoài ra, các hợp tác xã cần chú ý xây dựng hạ tầng cho thương mại nông sản như khi, nơi bảo quản, sơ chế, đóng gói; cần quan tâm nâng quy mô sản xuất, nếu quy mô quá nhỏ sẽ khó có khả năng chia sẻ rủi ro giữa các thành viên; tăng cường nâng số lượng thành viên và tích cực tham gia bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân.
Các hợp tác xã cần đẩy mạnh liên kết
Khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, vận chuyển nông sản gặp khó, nhiều nơi nông sản ế thừa trong khi TP.HCM nhu cầu mua lương thực thực phẩm vẫn cao. Trong bối cảnh đó, Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NNPTNT (Tổ công tác 970) có xây dựng các combo nông sản, thu hút nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của các combo nông sản?
- Bản chất của việc xây dựng combo nông sản là liên kết ngang giữa các hợp tác xã với nhau, các hợp tác xã bổ sung mặt hàng, sản phẩm cho nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng khi muốn mua cùng lúc nhiều loại sản phẩm.
Đã có rất nhiều hợp tác xã tham gia làm combo nông sản giới thiệu cho người dân TP.HCM, tôi được biết có những hợp tác xã ngay sau khi kết nối với Tổ công tác 970 đã ký được đơn hàng trị giá 100 triệu đồng.
Liên kết ngang là rất cần thiết nhằm đẩy mạnh số thành viên trong hợp tác xã, nhưng các hợp tác xã cũng phải liên kết với nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Sáng kiến của Tổ công tác 970 không chỉ phù hợp trong mùa dịch mà còn có thể nhân rộng vì hiện tại xu hướng tiêu dùng của người dân cũng rất ưa chuộng những combo như thế.
Ông đánh giá như thế nào về việc đảm bảo nguồn cung nông sản phục vụ trong nước và xuất khẩu của các hợp tác xã trong thời gian tới?
- Các hợp tác xã vẫn đang đảm bảo sản xuất để cung ứng sản phẩm cho thị trường dịp cuối năm.
Tuy nhiên, hiện nay, các hợp tác xã đang gặp nhiều khó khăn do khâu lưu thông, vận chuyển, giá cả đầu vào cao. Nếu khắc phục được những điều này, chắc chắn các hợp tác xã sẽ phục hồi sản xuất mạnh mẽ trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.