Kết thúc phiên giao dịch ngày 13.6, cổ phiếu VSN của Vissan ở mức giá 43.000 đồng/CP, mất gần 1 nửa giá trị so với mức giá 84.000 đồng/CP ngay trong phiên chào sàn UpCOM hồi cuối tháng 10.2016.
Tăng trưởng nhờ thịt heo giảm giá?
Theo báo cáo tài chính quý 1.2017 mà VSN công bố, mức doanh thu trong quý mà VSN đạt là 750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 48 tỷ đồng, tăng gần 16% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, phía Vissan cho rằng mức lợi nhuận này không phải đến từ mảng mặt hàng tươi sống như những đồn đoán trên thị trường về việc VSN “hưởng lợi” lớn từ việc giết mổ heo trong bối cảnh giá heo giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng, số lãi trên chủ yếu đến từ mặt hàng chế biến (chiếm 87%), đặc biệt là sản phẩm xúc xích lắc của công ty. Riêng lợi nhuận của mặt hàng tươi sống vẫn giảm, chỉ đóng góp khoảng 6 tỷ đồng trong tổng lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo khảo sát trên thị trường những tháng vừa qua, giá thịt heo trong các kênh siêu thị của Vissan và nhiều thương hiệu khác cũng chỉ khuyến mãi trung bình từ 10% - 15% một số mặt hàng thịt heo VietGAP. Riêng từ đầu tháng 6 đến nay (từ ngày 6.6 đến ngày 10.6), Vissan mới có chương trình giảm giá mạnh từ 30% đến 42% đối với các mặt hàng thịt heo VietGAP loại I và giảm khoảng 5% - 10% một số mặt hàng thực phẩm chế biến.
“Nói Vissan không hưởng lợi từ bối cảnh thịt heo đồng loạt giảm giá là không đúng, bởi khi nguồn nguyên liệu đầu vào giảm thì Vissan hoàn toàn có thể thu mua, trữ đông sản phẩm để làm nguồn nguyên liệu cho mặt hàng thực phẩm chế biến. Đây cũng là cách gián tiếp giúp VSN tăng trưởng mạnh về lợi nhuận”, đại diện Công ty Chứng khoán Đại Việt, nhận định.
Cũng theo vị này, việc hưởng lợi từ giá heo giảm không phải là lạ với Vissan. Còn nhớ năm 2016, doanh thu của Vissan cũng chỉ đạt 4.502 tỷ đồng, tương đương 92% so với kế hoạch đề ra đầu năm. Tuy nhiên, nhờ tác động từ giá thịt heo suy giảm trong những tháng cuối năm, giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, lợi nhuận thu về của Vissan vẫn vượt 19% kế hoạch đã đề ra.
Hiện, chưa tới thời điểm báo cáo tài chính quý 2.2017 của Vissan, song tính từ cuối tháng 4 đến nay, doanh nghiệp này đã tăng mạnh việc thu mua, giết mổ và trữ đông được hơn 66.000 con heo. Trung bình mỗi ngày thu mua giết mổ 1.600 - 1.800 con heo, tăng hơn 33% so với thời điểm quý 1.2017.
Vissan tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong quý 1.2017 nhờ thịt heo giảm giá? (Ảnh: IT)
Cổ phiếu Vissan vẫn... xuống đáy
Được kỳ vọng khá nhiều trước thời điểm niêm yết trên sàn UpCOM, cổ phiếu VSN được chào với mức giá 67.000 đồng/CP và đã tăng mạnh lên 84.000 đồng/CP ngay phiên chào sàn. Tuy nhiên, chỉ vài phiên sau đó là cổ phiếu VSN giảm giá mạnh xuống quanh vùng 64.000 - 66.000 đồng/CP và tới thời điểm hiện tại chỉ còn 43.000 đồng/CP, mất hơn 1 nửa giá trị so với thời điểm chào sàn. Theo lý giải của các công ty chứng khoán, thực tế cổ phiếu VSN giảm giá mạnh sau khi chào sàn là vì giá cổ phiếu VSN được định giá... quá cao so với thực tế.
Cụ thể, theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), trong dự báo kết quả kinh doanh cho năm 2016, doanh thu thuần của Vissan ước đạt 3.835 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế là 130 tỷ đồng, tăng 12,5%; thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) là 1.616 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với mức giá chào sàn 67.000 đồng/CP, tương ứng mức P/E là 41,5 lần và P/B là 6,2 lần. Rõ ràng, cổ phiếu VSN đã được định giá rất cao so với giá trị thực.
“Vì vậy, việc giá VSN giảm xuống vùng 4x là không có gì ngạc nhiên và điều này đã được chúng tôi phân tích với giới đầu tư thời điểm VSN được niêm yết trên UpCOM”, một chuyên gia thị trường của HSC, bình luận.
Trong khi đó, phía Công ty Chứng khoán Đại Việt thì cho rằng, nguyên nhân khiến cổ phiếu VSN giảm giá có thể đến từ kế hoạch “thận trọng” của ban lãnh đạo Vissan trong 5 năm tới đây. Cụ thể, theo kế hoạch kinh doanh 5 năm giai đoạn sau cổ phần hóa đã được ĐHCĐ thông qua, năm 2016, Vissan dự kiến đạt 99,178 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng nhẹ lên mức 99,475 tỷ đồng vào năm 2017; nâng lên 106,686 tỷ đồng vào năm 2018 và rơi thẳng... xuống đáy khi năm 2019, Vissan ước lãi 9,14 tỷ đồng và năm 2020, con số này tăng lên 52,206 tỷ đồng.
Với kế hoạch lợi nhuận này, dự kiến thu nhập trên mỗi cổ phiếu Vissan sẽ đạt mức xấp xỉ 1.225 đồng năm 2016, 2017; tăng nhẹ lên 1.371 đồng năm 2018, rơi về 113 đồng năm 2019 và 645 đồng năm 2020 nên cũng khó hấp dẫn nhà đầu tư...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.