Tăng tuổi nghỉ hưu: Chuyên gia muốn quy định linh hoạt

Hồ Văn Thứ tư, ngày 17/01/2018 16:21 PM (GMT+7)
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án về tuổi nghỉ hưu, trong đó có phương án từ 1.1.2021 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên đến 62 (đối với nam) và 60 ( đối với nữ) đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ các chuyên gia.
Bình luận 0

Một số chuyên gia cho rằng không nên đưa vào luật, số khác lại cho rằng tăng nhưng vận dụng hình thức linh hoạt, không quy định cứng ngắc để phù hợp nhu cầu từng đối tượng.

img

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mọi chính sách đều hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người lao động (Ảnh: khoảnh khắc Thủ tướng về thăm và ăn bữa cơm cùng công nhân ở Đồng Nai - Hồ Văn)

Phải làm điều tra xã hội học

Trả lời phóng viên Dân Việt về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng bộ môn Đô thị học, Đại học KH-XH&NV TP.HCM, cho rằng một dự luật hay quy định nào đưa ra mà có tác động lớn đến số đông người lao động trước hết phải có dự án điều tra xã hội học về tác động hai chiều của vấn đề. Về tăng tuổi hưu, có người muốn nghỉ sớm, có người muốn kéo dài.

“Theo tôi, người dân thì không cần lắm việc này, chỉ cán bộ công chức, lãnh đạo… muốn mà thôi”, TS Hòa cho biết. 

img

Theo các chuyên gia, lao động nữ hầu hết đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể hơn, TS Hòa cho rằng mỗi nhóm làm công việc khác nhau thì có nguyện vọng khác nhau. Như nhóm lao động hành chính, văn phòng thì có thể muốn kéo dài tuổi hưu, trong khi nhóm lao động tay chân, lao động sản xuất ở các lĩnh vực nặng nhọc thì muốn về đúng tuổi (60 và 55), thậm chí muốn về sớm hơn.

“Theo tôi, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên khuyến khích, không nên cứng nhắc đưa vào luật. Ai còn sức khỏe, có nhu cầu tiếp tục làm việc thì đáp ứng nguyện vọng cho họ kéo dài tuổi hưu, ai không muốn cũng để họ về hưu đúng tuổi. Như ở Nhật và một số nước tiến tiến khác họ đang áp dụng mô hình linh hoạt này. Việt Nam ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, không nên quy định cứng ngắc về tăng tuổi nghỉ hưu”, TS Hòa nói.

Cũng theo TS Hòa, việc tăng tuổi hưu có thể do lo vỡ quỹ, điều này cũng thể hiện bộ máy quản lý quỹ làm việc không hiệu quả, không cân đối được nguồn quỹ. Thứ hai, bộ máy quản lý quỹ cũng cồng kềnh, mỗi năm phải tiêu tốn số tiền khá lớn cũng là vấn đề cần được giải quyết.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa-xã hội, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, cho rằng không nên quy định cứng ngắc độ tuổi nghỉ hưu mà phải linh hoạt.

“Phải chia nhóm, ví dụ như lao động chân tay nên nghỉ sớm ở tuổi 50, nghề giáo viên, cán bộ y tế … thì nghỉ ở độ tuổi 60 là hợp lý. Ở nữ cũng vậy, chỉ có thể cao nhất là phương án 58 tuổi, còn cá nhân tôi cho rằng phụ nữ nên nghỉ đúng ở độ tuổi 55 là hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi phải thực hiện theo xu hướng mở, ai có nguyện vọng thì đáp ứng theo nguyện vọng của họ, không nên quy định cứng mà phải uyển chuyển”, ông Thành chia sẻ. 

Doanh nghiệp muốn thay thế lao động trẻ, khỏe 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng Việt Nam đang hội nhập sâu, cơ hội việc làm ngày càng mở rộng. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể để phù hợp xu thế và phát triển của nền kinh tế.

img

Các chuyên gia cho rằng lao động tay chân trong lĩnh vực thâm dụng lao động như da giày, may mặc... đến 50 tuổi là đã hết sức khỏe làm việc.

“Tuy nhiên, vận dụng phải linh hoạt, phải tùy vào từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực công việc khác nhau. Phải tính đến việc, tăng tuổi hưu một năm thì thị trường lao động mất cơ hội nghề nghiệp của cả một thế hệ. Ngoài ra, cũng phải tính đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng lao động, sản xuất nặng nhọc như dệt may, da giày… thì họ cần sự thay thế nguồn lao động trẻ khỏe hơn, đáp ứng sản xuất kinh doanh của họ. Hơn nữa, nhóm lao động trong lĩnh vực này cũng muốn nghỉ sớm, không ai muốn tăng tuổi hưu. Việc tăng tuổi chỉ phù hợp với nhóm lao động văn phòng, hành chính, công chức”. 

Cũng theo ông Tuấn, tăng tuổi hưu phải theo xu hướng tiệm cận với sự phát triển của thị trường lao động, sự phát triển của nền kinh tế. “Không nên quy định cứng ngắc mà có thể linh hoạt khung thời gian. Ví dụ, trong khoảng 5-10 năm khi vận dụng chính sách này thì cần linh hoạt ai có nhu cầu nghỉ sớm nên cho nghỉ, ai muốn kéo dài tuổi hưu thì đáp ứng. Trong khoảng thời gian đó cũng sẽ kiểm nghiệm được hiệu quả của chính sách này để tiếp tục thực thi hay ngưng lại”, ông Tuấn đề xuất. 

Còn chuyên gia Lê Văn Thành cho rằng, ở cấp độ quản lý, lãnh đạo, nên chấm dứt và nghỉ ở độ tuổi 60 (nam) và 55 (nữ). Nếu có ở lại theo quy định tuổi 62 và 60 chỉ giữ làm chuyên gia, tham mưu vì đằng sau họ còn cả một thế hệ trẻ, năng động, cần tạo cơ hội nghề nghiệp cho thế hệ kế tiếp. Nếu cứ khăng khăng quy định nghỉ hưu tuổi 62 và 60 có thể làm mất cơ hội nghề nghiệp, việc làm của thế hệ kế tục. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem