1. Tháng 5/2023 đã diễn ra Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII (Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ). Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để nhìn lại và đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.
Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
2. Trong năm 2023, hoạt động của Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tiếp tục tạo những dấu ấn quan trọng. Quốc hội tiến hành 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường, nhiều nhất từ trước đến nay.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được đánh giá là chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục.
Cũng tại kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
3. Một trong những dấu ấn quan trọng của năm 2023 là hoạt động đối ngoại, đây là một năm sôi động với các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hợp Quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP 28, BRI… Trong năm qua, chúng ta đã tổ chức tốt 22 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, từ đó đã khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới.
Dấu ấn đặc biệt là công tác chuẩn bị và tổ chức đón, tiếp thành công chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đồng thời nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Vào tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản. Chuyến thăm vào thời điểm hai nước đang cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm này, hai nước đã nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới (Nhật Bản là quốc gia thứ 6 là Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam).
"Có thể thấy với 2 nhân tố, thứ nhất là mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với các nước lớn, thứ hai là phục hồi kinh tế tương đối tốt của Việt Nam đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của thế giới, tăng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam...".
Đại sứ Nguyễn Phú Bình – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Trao đổi với phóng viên, Đại sứ Nguyễn Phú Bình - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: Với thành quả rất tích cực từ công tác đối ngoại, Việt Nam đã tạo được "sân chơi" với trung tâm quốc tế lớn, nghĩa là các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Nga… "Có thể thấy với 2 nhân tố, thứ nhất là mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với các nước lớn, thứ hai là phục hồi kinh tế tương đối tốt của Việt Nam đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của thế giới, tăng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Tạo niềm tin để chúng ta bước vào một giai đoạn mới phát triển ở tầm cao, ví dụ như trong lĩnh vực sản xuất chíp bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo..." - Đại sứ Nguyễn Phú Bình nói.
4. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững". Tại đây khi cập nhật nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng phát triển năm 2024, ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital đánh giá năm 2023, GDP Việt Nam tăng trưởng 5,05%, đây là con số ấn tượng. Việt Nam cũng kiểm soát được lạm phát, triển khai các biện pháp tài khóa phù hợp, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, thu hút FDI đạt mức cao.
Còn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau khi điểm qua những chính sách trong điều hành kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, đã khẳng định, dù thế giới có chao đảo thì Việt Nam vẫn kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hành đầu. "Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro. Đây chính là sự cân bằng lớn nhất" - Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, nếu sự cân bằng, hài hòa này không giữ được thì cấu trúc hợp tác sẽ đổ vỡ, không thể bảo đảm hợp tác, đầu tư bền vững, lâu dài, hiệu quả.
5. Năm 2023, Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và lần đầu tiên tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây là những sự kiện quan trọng tiếp tục cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, văn hóa có vị trí rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một chủ trương mang tính đột phá để văn hóa lan toản sức mạnh của mình sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế. Quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban Chấp hành Trung ương khóa XI) một lần nữa khẳng định tinh thần của bản Đề cương "văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)", để sức sống mới của văn hóa tạo nên mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
6. Năm qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện quyết liệt, với nhiều cách làm mới, có chiều sâu, đồng bộ, hiệu quả. Nhiều đại án kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xét xử như vụ Chuyến bay giải cứu; vụ Việt Á; vụ án xảy ra tại Học viện Quân y… đã được đưa xét xử.
Bộ Chính trị đã ban hành các quy định số 114-QĐ/TW, 131-QĐ/TW, 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... để bảo đảm việc thực hiện một cách đồng bộ, bài bản và chặt chẽ.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được đổi mới, tăng cường trên cơ sở ban hành có chất lượng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều quy định mới, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ", "chủ nghĩa cá nhân", "tha hóa quyền lực" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.