Tạo thuận lợi về pháp lý cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài

V.N Thứ sáu, ngày 13/01/2023 22:38 PM (GMT+7)
Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Quốc hội luôn sẵn sàng ghi nhận tâm tư nguyện vọng của bà con để có những hỗ trợ nhằm cải thiện địa vị pháp lý của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Bình luận 0

Đóng góp của đồng bào

Công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao đã đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước – Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu với đại diện đồng bào ở nước ngoài về dự Xuân Quê hương ngày 13/1. 

Chiều nay đoàn đại biểu đồng bào Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đón Tết đã đến thăm Nhà Quốc hội và tham dự Tọa đàm về chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài do Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức. 

Tạo thuận lợi về pháp lý cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài  - Ảnh 1.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều đại diện đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã có những kiến nghị để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho cộng đồng. Ảnh: M.H.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Quốc hội, chào mừng,  thăm hỏi và chúc Tết bà con. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới đồng bào ta ở nước ngoài. 

Thông báo với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài về tình hình trong nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm qua đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện. Ông Trần Thanh Mẫn ghi nhận đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…

Năm 2021, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vào khoảng 12,5 tỉ USD; dự báo tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết,  Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài; trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Quốc hội đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại; ban hành nhiều chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học.

Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài” và tổ chức Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với sự tham dự của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan; từ đó sẽ ghi nhận những ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đó là cơ sở để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, kinh doanh và đầu tư tại quê hương, góp phần thu hút nguồn lực tri thức và kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhiều đề xuất thiết thực

Các đại diện đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã có những ý kiến đóng góp tại cuộc gặp mặt liên quan đến nhiều vấn đề, như cho phép sở hữu đất đai, các đề xuất về đầu tư, quốc tịch, dạy và học tiếng Việt…

Ông Trần Phú Thuận – Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Nga đề xuất về vấn đề để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài được ứng cử Quốc hội. Ông cho rằng có thể chọn những người Việt xuất sắc, ưu tú, có nhiều đóng góp vào các hoạt động chung, được đại sứ quán và Ủy ban người Việt ở nước ngoài giới thiệu ứng cử.

Về lĩnh vực đầu tư, ông đề nghị công nhận hình thức đầu tư của doanh nghiệp mà chủ sở hữu là người Việt ở nước ngoài đầu tư ra nước ngoài. Nếu ghi nhận đó là đầu tư của Việt Nam sẽ vừa có lợi cho Việt Nam, vừa có lợi cho doanh nghiệp. Đây là tài sản hợp pháp của doanh nghiệp, nhưng không phải tiền chuyển trong nước ra, nếu được ghi nhận là đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, vị thế uy tín của Việt Nam được nâng cao ở nước sở tại. “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài quyết tâm sát cánh cùng cả nước khẳng định hình ảnh Việt trên trường quốc tế” - ông Thuận nói. 

Cũng về vấn đề đất đai, ông Nguyễn Ngọc Thìn – Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan cho rằng sở hữu đất đai nhà ở là gắn bó với quê hương đất nước. Ông bày tỏ sự ghi nhận các cơ quan trong nước đã và đang sửa đổi các luật liên quan theo hướng tạo điều kiện nhiều hơn cho người Việt ở nước ngoài. 

Ông cho biết, tại Thái Lan có một số người gốc Việt di cư từ năm 1946, họ không có quốc tịch Thái và cũng không giữ được quốc tịch Việt Nam. Họ muốn về thăm quê, gặp gỡ gia tộc cũng không có điều kiện đó. Có người sinh ra tại Thái Lan 57 năm mới có quốc tịch. Ông mong muốn Chính phủ cấp một loại giấy tờ đặc biệt nào đó để họ về gặp gỡ cộng đồng. Họ muốn về tìm hiểu cơ hội học tập cho con em, cơ hội đầu tư, thăm họ hàng…, nhưng thời hạn visa 1 tháng là không đủ và mong muốn nâng thời hạn visa lên 2 -3 tháng cho người Việt tại Thái Lan và các nơi khác. 

Ông Thuận cũng cho biết, bà con đánh giá cao những việc đã làm được như 4 đợt cử giáo viên dạy tiếng Việt, tạo điều kiện cho 300 người về thăm quê, tặng bằng khen huân huy chương cho hơn 1.000 kiều bào có công trong 2 cuộc kháng chiến, cấp học bổng cho 5 con em kiều bào…

Đại diện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cho biết: Khoảng hơn 250.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc và con số này đang ngày càng tăng nhanh: Người kết hôn di trú (chủ yếu là nữ giới lấy chồng Hàn), du học sinh, người lao động, các trí thức và chuyên gia. Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc gặp một số khó khăn pháp lý như: Việc giữ, nhập lại quốc tịch Việt Nam khi đã có quốc tịch Hàn Quốc; con cái trong gia đình đa văn hoá khi muốn về Việt Nam phải xin visa nếu dự định đi quá 15 ngày

 Nhiều công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài gặp khó khăn khi làm thủ tục xin cấp căn cước công dân và mã số định danh cá nhân tại các địa phương và không thể thực hiện tại cơ quan đại diện do cơ quan đại diện chưa được phân quyền cấp… Đại diện cộng đồng người Việt mong mỏi các chính sách pháp luật sẽ được hoàn thiện tốt hơn, phù hợp hơn, thuận lơi hơn cho đồng bào ở xa đóng góp với trong nước.  

Trả lời các kiến nghị của đại diện đồng bào ta ở nước ngoài, ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho biết, trong chuyên đề giám sát, Ủy ban sẽ tổ chức một loạt các hoạt động về người Việt ở nước ngoài. Đã có đoàn đại biểu thăm cộng đồng người Việt ở Biển Hồ, Campuchia và năm nay sẽ cử các đoàn đại biểu Quốc hội đi các nước khác để tìm hiểu thêm về tình hình cộng đồng. “Đây là một trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, chúng ta cùng giúp sức để xây dựng hình ảnh người Việt ngày càng tốt đẹp hơn” - ông Vũ Hải Hà nói. 

Ông ghi nhận còn có những người Việt ở nước ngoài rất khó khăn, như ở Campuchia nhiều người Việt thu nhập thấp, không có quốc tịch, không việc làm, ở Nga nhiều người không có quốc tịch, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nhiều người vỡ hợp đồng lao động, nhiều khi vì miếng cơm manh áo mà có những người làm xấu đi hình ảnh người Việt ở nước ngoài. 

Đại diện Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khẳng định: "Chúng ta cần chung tay để giúp họ có địa vị pháp lý tốt hơn. Chúng ta lấy trí tuệ bàn tay khối óc người Việt giúp đỡ người Việt, tạo hình ảnh tốt đẹp hơn về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, để cùng nhau chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền đất nước". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem