Mới đây, Nghị định 46/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 nếu người nào có hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy… trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.
Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc
Trả lời vấn đề này, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc cho biết, Nghị định 46 ra đời căn cứ trên Luật TDTT sửa đổi 2018, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Tổ chức Chính phủ 2015. Các quy định trong Nghị định 46 có tính chất kế thừa, chứ không phải quy định mới được ban hành.
“Qua thực tế kiểm tra, một số môn thể thao hiện nay như Yoga đã xuất hiện Yoga khỏa thân. Hoặc thậm chí thể dục dưỡng sinh cũng có những hình thức như “suối nguồn tươi trẻ”. Những hoạt động như thế này không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Chúng tôi cũng biết cả môn Dance sports cũng có những hình thức tập luyện không đúng”, ông Phúc cho biết thêm.
Yoga khỏa thân là tập Yoga và không mặc gì
Trong đó, một trong những bộ môn được nhắc đến nhiều nhất, nằm trong vùng “chiếu tướng” là Yoga khỏa thân.
Tìm hiểu về Yoga khỏa thân, một nữ chuyên gia có cơ sở dạy Yoga tại Hà Nội cho biết: “Hiện nay tại Việt Nam phổ biến nhất là Hatha Yoga – trường phái Yoga kết hợp hài hòa giữa việc tập luyện về thể chất và tinh thần. Hiện nay mọi người chỉ biết đến Asana, là những tư thế Yoga nhằm tập luyện sức khỏe thể chất là chủ yếu. Đó chỉ là một nhánh của Yoga, còn 7 nhánh khác liên quan đến tu dưỡng bản thân, kiểm soát giác quan, kiểm soát năng lượng, thiền… thì mọi người ít biết đến”.
Để thân thể lõa lồ không phải là đạo lý của Yoga
Khi được hỏi về những quy định về tập luyện trong bộ môn Yoga, giáo viên Yoga này nói: “Trong Yoga không nhắc đến quy định việc động chạm cơ thể người khác hay không, hay quy định ăn mặc như thế nào, nhưng Yoga mặc định là không động chạm do tính chất của Yoga là tập trung vào các tư thế để tự mình khám phá bản thân mình”.
Yoga khỏa thân – cụm từ được nhắc đến trong Nghị định 44/2019/NĐ-CP, theo giáo viên này giải thích nghĩa là … tập Yoga mà không mặc gì. Mặc hay khỏa thân là quyết định tự thân của người tập Yoga. Giáo viên Yoga này cũng cho biết hiện ở Việt Nam chưa thấy ai tập Yoga với hình thức này, nếu có chỉ là tự phát chứ không ai quy định đây là một bộ môn Yoga cả.
Yoga không có quy định về trang phục, mặc hay không mặc quần áo
Nói về hình thức tập Yoga khỏa thân, một giáo viên Yoga cho biết thêm: “Chuyện mặc hay không cho dù không được nhắc tới, nhưng để thân thể lõa lồ cho người khác nhìn khi thực hiện những tư thế Yoga thì không phải là đạo lý của Yoga, do nó có thể gây ra sự mất kiểm soát về ý thức của người nhìn. Cho dù người tập có thể hoàn toàn không mặc gì khi tập vì quần áo theo triết lý của Yoga chỉ là những thứ bên ngoài con người. Theo các nhà hiền triết về Yoga, cơ thể là một ngôi đền và mình tu tập trong đó. Cơ thể cũng là một vũ trụ, chỉ có mình mình trong vũ trụ đó. Các thầy Yoga trước tập Yoga cũng chỉ quấn một cái khố. Tuy nhiên Yoga khỏa thân không phải là một bộ môn của Yoga".
Một số hình thức khác, như Yoga đôi, Yoga bay… là do sau này kết hợp các bộ môn với nhau và đặt tên như thế, còn Yoga cổ không có những tên gọi này.
Giáo viên Yoga cho rằng chị không phủ nhận trào lưu Yoga khỏa thân, vì nếu người tập tự kiểm soát tâm trí mình thì không thể nói việc đó đúng hay sai, nhưng với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì không phù hợp, và quy định về việc xử phạt cần rõ ràng hơn như là không được khỏa thân ở chỗ đông người…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.