Tập trung mọi giải pháp giúp nông dân làm giàu

Thu Hà Thứ sáu, ngày 17/07/2020 05:10 AM (GMT+7)
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tại hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN lần thứ 5, khóa VII được tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Vượt thách thức, đạt nhiều kết quả tích cực

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng đánh giá cao các hoạt động công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2020 của các cấp Hội ND. Các cấp Hội ND đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, động viên, hướng dẫn giúp đỡ cơ sở Hội, hội viên, đồng bào nông dân thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề.

Hội nghị Ban Chấp Hành T.Ư Hội NDVN lần thứ 5 (khóa VII): Tập trung mọi giải pháp giúp nông dân làm giàu - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hà

Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất và đời sống nông dân nhưng dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Đảng đoàn, Ban Chấp hành Hội ND các cấp đã lãnh đạo cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2020.

"Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN trân trọng ghi nhận, biểu dương Hội ND 63 tỉnh, thành và đồng bào nông dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, vừa lao động, sản xuất, vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc "4 tại chỗ". Nông dân đã đóng góp rất tích cực, quan trọng trong việc đưa kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn với mức tăng trưởng đạt 1,81%; trong đó, sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương đạt mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, nông nghiệp, nông thôn một lần nữa là bệ đỡ, là nền tảng cho ổn định đời sống xã hội trong thời kỳ khó khăn" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế tập thể

Hội nghị Ban Chấp Hành T.Ư Hội NDVN lần thứ 5 (khóa VII): Tập trung mọi giải pháp giúp nông dân làm giàu - Ảnh 2.

Các đại biểu tập trung nghiên cứu tài liệu. Ảnh: T.H

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Thào Xuân Sùng, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng: Dự thảo báo cáo sơ kết công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; dự thảo thông báo một số hoạt động công tác trọng tâm năm 2021; dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Hội về Hội NDVN tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 – 2025…

Chủ tịch Thào Xuân Sùng đặc biệt lưu ý các đại biểu thảo luận 6 vấn đề thời sự liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là: Sau khi ký các hiệp định CPTPP và EVFTA thì tình hình hoạt động công tác hội và phong trào nông dân của Hội ND có những thuận lợi, khó khăn thuận nào? Trước thách thức và cơ hội đan xen đó, các cấp Hội cần có những đề xuất, bổ sung các giải pháp hỗ trợ hội viên tham gia các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, nhất là liên kết sản xuất "6 nhà" theo chuỗi giá trị.

Bà Nguyễn Thanh Xuân – Chủ tịch Hội ND TP.HCM cho biết: 6 tháng đầu năm 2020, Hội ND TP.HCM đã thành lập được 23 tổ hợp tác, 4 hợp tác xã. Thực hiện Nghị Quyết 04, Hội ND TP.HCM, Hội đã vận động thành lập được 2 Tổ hội nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn thành phố lên 156 chi hội và 325 tổ hội.

"Tôi đồng tình và đánh giá cao đề án Hội NDVN tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp là việc làm đúng, trúng trong giai đoạn hiện nay. Ngoài thành lập mới thì các cấp Hội cũng cần quan tâm củng cố, nâng chất 3.134 hợp tác xã, 21.500 tổ hợp tác. Trong đó, cần đi sâu vào yếu con người mà ở đây chính là Ban chủ nhiệm các hợp tác xã cần được quan tâm đào tạo để nâng cao nghiệp vụ và trình độ. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội (Facbook, Zalo) trong xúc tiến, quảng bá thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân" - bà Xuân nêu quan điểm.

Bà Hoàng Thị Hậu – Giám đốc HTX rau hữu cơ Thanh Xuân, Sóc Sơn, TP.Hà Nội bày tỏ: Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể không khó nếu có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp Hội ND. Hội ND, đặc biệt là Hội ND cơ sở cần đi sâu đi sát đời sống hội viên nông dân, từ đó có những định hướng nông dân đi đúng quỹ đạo, tập trung sản xuất theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu thị trường để không còn điệp khúc "được mùa mất giá", "giải cứu nông sản".


Cán bộ hội cơ sở được tín nhiệm cao

6 tháng đầu năm 2020, Hội ND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được 7 cửa hàng nông sản an toàn, nâng tổng số đến nay tại 13 huyện, thị, thành là chuỗi 10 cửa hàng nông sản an toàn. Đây là mô hình liên kết chuỗi gắn bó đầu vào và đầu ra chặt chẽ nên hội viên nông dân Hà Tĩnh rất phấn khởi. Đặc biệt sau Đại hội Đảng bộ cấp xã và huyện, hiện Hà Tĩnh có 12 đơn vị Hội cơ sở có các đồng chí là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội ND cấp xã được tín nhiệm bầu tham gia cấp ủy cơ sở. Đây có thể nói là sự trưởng thành đáng mừng của đội ngũ cán bộ hội các cấp.

Ông Bùi Nhân Sâm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh

Xây dựng thương hiệu tốt, giá trị nông sản tăng

Tôi thấy phải có đầu ra ổn định mới khuyến khích hội viên nông dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá. Hội cần tập trung kết nối với các doanh nghiệp để tạo "kênh" đầu ra giúp hội viên nông dân tiêu thụ nông sản. Đối với sản phẩm OCOP, Hội cần định hướng cho các cấp Hội ở cơ sở lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi phù với với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; đặc biệt hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm nông sản đặc sản của vùng nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Hướng tới làm sao mỗi vùng có được 1 cơ sở chế biến nhằm đảm bảo điều kiện sản xuất và chế biến sản phẩm nông sản tại chỗ theo quy trình khép kín. Điều này vừa giúp giảm giá thành ở khâu vận chuyển, vừa gia tăng giá trị nông sản.

Bà Nguyễn Thị Trâm - Giám đốc HTX nông nghiệp Hải Phong ở Lương Tài (Bắc Ninh)

Xây dựng chuỗi gạo Nhật, bí xanh thơm Bắc Kạn

6 tháng đầu năm, các cấp Hội ND tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế tập thể cho hội viên nông dân, trong đó nổi bật là 2 chuỗi gạo Nhật Japonica và chuỗi bí xanh thơm. Vừa qua, Bắc Kạn có tổ chức tuần lễ giới thiệu gạo Nhật Japonica, bí xanh thơm tại Hà Nội đã nhận được những phản hồi tốt của khách hàng và có nhiều đơn đặt hàng. Bên cạnh chuỗi lúa Nhật, bí xanh thơm, Hội ND tỉnh cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trồng nghệ, rừng, chuỗi gỗ để mở đi hướng đi mới cho hội viên. Hiện Hội ND tỉnh tập trung hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất hữu cơ, sẵn sàng cung cấp cho các nhà phân phối, tiêu thụ và người tiêu dùng.

Ông Lưu Văn Quảng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn

Đức Thịnh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem