Ngày 7/6 vừa qua, 9.4 triệu học sinh Trung Quốc đã bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (Gaokao). Theo Bộ Giáo dục nước này, sẽ có khoảng 3.7 triệu học sinh trúng tuyển trong năm nay.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các nhà chức trách liên tục đưa ra những biện pháp ngăn chặn gian lận. Thậm chí, kể từ năm ngoái, những hành vi gian lận trong thi cử có thể bị coi là một loại tội phạm hình sự.
Ở Trung Quốc, gaokao được xem là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời, có thể củng cố hoặc phá vỡ tương lai của một người trẻ tuổi. Nó cũng tạo ra sân chơi thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Kỳ thi này thực chất quan trọng như thế nào, lịch sử và những cuộc tranh luận xung quanh nó ra sao? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.
Gần 7.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh quốc gia vào ngày 16/2/2016 ở thành phố Tế Nam, Trung Quốc.
Kỳ thi đáng sợ nhất đời học sinh
Gaokao (nghĩa đen là "bài kiểm tra trình độ cao") là tên viết tắt của kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc, mục đích kiểm tra trình độ học vấn của các học sinh tốt nghiệp trung học muốn bước vào cánh cổng trường đại học.
Cuộc kiểm tra tiêu chuẩn đầu tiên tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tổ chức vào năm 1952 nhưng đã dừng lại sau 14 năm. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã tuyên bố rằng những thanh thiếu niên có học vấn phải xuống vùng nông thôn để "học hỏi từ người nông dân”. Gaokao được khôi phục vào năm 1977, sau khi cuộc cách mạng văn hoá thảm khốc chấm dứt.
Một hạn chế về tuổi tác đã được loại bỏ vào năm 2001 và bất cứ ai có bằng tốt nghiệp trung học đều có thể tham dự kỳ thi. Gaokao đạt kỷ lục 10,5 triệu thí sinh trong năm 2008 nhưng con số này đã giảm dần kể từ đó.
Kỳ thi bao gồm 3 môn bắt buộc: Tiếng Trung Quốc, Toán học, Anh văn và một môn tự chọn. Kỳ thi kéo dài 9 tiếng trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 7/6. Một số ít trường hợp, học sinh dân tộc thiểu số sẽ phải thi bằng ngôn ngữ của mình vào ngày 9/6.
Cha mẹ sinh viên năm nhất ngủ trên tấm thảm trải dưới sàn của một phòng tập thể dục tại Đại học Sư phạm Huazhong ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ngày 7/9/2013.
Con đường duy nhất để đổi đời
Gaokao được xem là bước đệm quan trọng đối với học sinh trung học Trung Quốc vì một phần không nhỏ tương lai các em được xác định qua điểm số này, quyết định có thể học trường nào, tương ứng với nghề nghiệp đang chờ đợi phía trước. Kết quả tốt đồng nghĩa với một tương lai tươi sáng, có địa vị, sự giàu có và thậm chí cả quyền lực.
Đối với hầu hết người Trung Quốc, đặc biệt là những người có xuất phát điểm thấp, điểm số cao trong gaokao là phương tiện duy nhất để thay đổi số phận.
"Đây là một con đường rất hẹp, nhưng đó cũng là cách duy nhất để tôi rời khỏi vùng quê nhỏ và bước ra thế giới", Yu Minhong, người sáng lập tổ chức giáo dục ngôn ngữ New Oriental Education cho biết. "Gaokao mang tới nhiều cơ hội cho trẻ em cả ở nông thôn và thành thị. Nếu không có nó, hàng triệu đứa trẻ nông thôn, bao gồm cả tôi, sẽ không có hy vọng gì".
Xe cảnh sát được huy động làm nhiệm vụ dọn đường cho các sĩ tử.
1001 cách đối mặt kỳ lạ
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này, học sinh chỉ còn cách không ngừng học, học bất cứ lúc nào có thể. Rất nhiều em đã hoàn thành chương trình trung học vào năm thứ hai và dành cả năm cuối chuẩn bị cho kỳ thi.
Đáng chú ý, tại nhiều trường như trường trung học Hengshui ở tỉnh Hà Bắc, học sinh được truyền sắt qua tĩnh mạch khi học bài với niềm tin cải thiện khả năng tập trung. Các nữ sinh được sử dụng thuốc tránh thai để trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt có thể đến vào những ngày này.
Phụ huynh thậm chí còn lo lắng hơn nhiều so với con em mình. Họ đặt khách sạn gần điểm thi để các em có thể nghỉ giữa hai buổi kiểm tra hoặc tránh bị tắc nghẽn trong giờ cao điểm vào buổi sáng.
Mặc dù chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp ưu tiên đặc biệt cho gaokao như hạn chế giao thông ở gần các trung tâm, nhưng vẫn có trường hợp phụ huynh ở An Huy, Giang Tô và Sơn Đông do quá lo lắng đã cùng nhau chặn đường vì sợ tiếng ô tô sẽ ảnh hưởng đến phần nghe hiểu trong bài kiểm tra tiếng Anh.
Trong những ngày của đợt thi gaokao, các vũ công ngừng tập luyện, mọi công trình xây dựng cũng tạm dừng để không gây ồn ào. Một số bà mẹ mặc sườn xám đến điểm thi đợi con với hy vọng về một kết quả may mắn.
Kỳ thi gây nhiều tranh cãi
Sự cạnh tranh khốc liệt và quá đề cao điểm số từng hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì đưa học sinh và thậm chí cả giáo viên và phụ huynh bước vào áp lực không cần thiết.
Chỉ tiêu tuyển sinh được phân bổ cho từng tỉnh, thành phố cấp tỉnh như Bắc Kinh và Thượng Hải, dựa trên đăng ký hộ khẩu của thí sinh, dẫn đến các chính sách địa phương ngăn cấm sinh viên ngoại tỉnh tham gia các kỳ thi trong địa phận. Điều này đã dẫn đến sự phản đối của các gia đình lao động nhập cư. Họ yêu cầu quyền tham gia kỳ thi của con cái họ ở bất cứ đâu.
Trước áp lực khủng khiếp của kỳ thi đại học, nhiều thí sinh Trung Quốc bắt buộc phải sử dụng những chiêu gian lận...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.