Tàu chiến Mỹ làm gì khi chạm mặt tàu TQ ở Biển Đông?

Thứ tư, ngày 20/05/2015 13:00 PM (GMT+7)
Tàu USS Fort Worth đã bất ngờ chạm trán tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành của Trung Quốc ở gần quần đảo Trường Sa trong khi thực hiện chuyến tuần tra trên Biển Đông.
Bình luận 0

Ngày 19.5, Đô đốc Michelle Howard, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho biết trong quá trình tuần tra kéo dài 1 tuần trên Biển Đông, tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth của Mỹ đã bất ngờ bị tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành của Trung Quốc bám sát khi đi gần khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bà Howard cho biết trong “cuộc gặp bất ngờ” này, tàu chiến Mỹ đã áp dụng các quy tắc ứng xử đã được thỏa thuận trong trường hợp “chạm mặt không báo trước” với tàu chiến Trung Quốc để không gây căng thẳng nhưng vẫn đảm bảo hành trình tuần tra đã định của tàu USS Fort Worth.

img
Tàu USS Fort Worth bị tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành (khoanh đỏ) bám theo

 

Nữ đô đốc này nhấn mạnh: “Trước đó chúng tôi đã thỏa thuận với Trung Quốc rằng nếu chạm mặt trên biển, chúng tôi sẽ sử dụng các quy tắc ứng xử đã được nhất trí từ trước. Tàu Fort Worth đã áp dụng đúng các quy tắc đó, nên mọi việc đã diễn ra một cách chuyên nghiệp như phải có”.

Tuy nhiên, các quy tắc ứng xử được đề ra để tránh nguy cơ biến cuộc đối đầu giữa tàu chiến và máy bay hai nước thành cuộc xung đột lớn hơn này có thể sẽ bị thử thách khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ủng hộ phương án mở rộng các chuyến tuần tra trên biển vào khu vực 12 hải lý quanh những rặng san hô mà Trung Quốc đang xây đảo phi pháp.

Những hành động được coi là nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông này có thể vấp phải phản ứng dữ dội của phía Trung Quốc, và buộc Trung Quốc phải làm rõ những căn cứ để họ tuyên bố chủ quyền đối với một diện tích rộng lớn trên Biển Đông.

img
Đô đốc Michelle Howard, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ

 

Từ trước tới nay, Trung Quốc chưa trưng ra được bất cứ bằng chứng pháp lý nào để giải thích cho tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông, ngoại trừ “đường lưỡi bò” đầy mơ hồ và không có giá trị luật pháp quốc tế.

Đô đốc Howard nhấn mạnh: “Tôi cho rằng đã đến lúc Trung Quốc cần giải thích về mục đích của hoạt động xây đảo. Hoạt động xây đảo nhân tạo này phải có mục đích, và tôi nghĩ rằng việc giải thích mục đích đó cho các nước trong khu vực sẽ có lợi cho Trung Quốc...”

Bà Howard không nói rõ tàu USS Fort Worth có đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc hay không, và cũng không tiết lộ thêm về cuộc “chạm trán” giữa tàu chiến hai nước. Trước đó, tờ Stars and Stripes của Mỹ khẳng định rằng tàu chiến Trung Quốc đã theo sát tàu USS Fort Worth.

img
Tàu USS Fort Worth đã thực hiện chuyến tuần tra kéo dài 1 tuần trên Biển Đông

 

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tuần trước, tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói với ông Kerry rằng “Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc”.

Từ lâu Mỹ đã nhấn mạnh quan điểm không nghiêng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, song Mỹ đặc biệt quan tâm đến “cách mà những tuyên bố chủ quyền được thực hiện”. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, cách tuyên bố chủ quyền bằng hình thức xây đảo nhân tạo hiện nay của Trung Quốc “có nguy cơ gây mất ổn định trong khu vực”.

Trí Dũng (Theo Bloomberg)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem