Nghiên cứu của Tây Ban Nha cho thấy có siêu vi khuẩn trong 40 mẫu thịt tại siêu thị. Ảnh: Getty Images
Hội nghị Vi sinh lâm sàng & Bệnh truyền nhiễm Châu Âu (ECCMID) năm nay tại Copenhagen, Đan Mạch (diễn ra từ 15-18/4) sẽ thảo luận về vi khuẩn E. coli đa kháng thuốc được tìm thấy trong 40% mẫu thử thịt siêu thị trong một nghiên cứu của Tây Ban Nha cũng như các chủng E. coli có khả năng gây nhiễm trùng nặng ở người phổ biến.
Tình trạng kháng kháng sinh đang đạt mức cao nguy hiểm trên toàn thế giới. Nhiễm trùng kháng thuốc khiến khoảng 700.000 người tử vong mỗi năm trên toàn cầu và con số này dự kiến sẽ tăng lên 10 triệu vào năm 2050 nếu không có biện pháp giải quyết nào được thực hiện. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng.
Vi khuẩn đa kháng thuốc có thể lây lan từ động vật sang người thông qua chuỗi thức ăn, nhưng do tính nhạy cảm về mặt thương mại, dữ liệu về mức độ kháng thuốc kháng sinh trong thực phẩm không được phổ biến rộng rãi.
Để tìm hiểu thêm, Tiến sĩ Azucena Mora Gutiérrez và Tiến sĩ Vanesa García Menéndez thuộc Đại học Santiago de Compostela-Lugo, Lugo, Tây Ban Nha, cùng với các đồng nghiệp từ các trung tâm nghiên cứu khác, đã thực hiện một loạt thí nghiệm để đánh giá mức độ đa kháng thuốc và vi khuẩn Enterobacteriaceae gây bệnh ngoài đường ruột trong các loại thịt được bày bán tại các siêu thị ở Tây Ban Nha. (Enterobacteriaceae gồm Klebsiella pneumoniae (K.pneumoniae), E. coli và các vi khuẩn khác có thể gây nhiễm trùng đa kháng thuốc như nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.)
Họ đã phân tích 100 sản phẩm thịt (thịt gà, gà tây, thịt bò và thịt lợn mỗi loại 25 mẫu) được chọn ngẫu nhiên từ các siêu thị ở thành phố Oviedo trong năm 2020. Các kết quả thu được như sau:
40 trong số 100 sản phẩm thịt chứa E. coli đa kháng thuốc (56 trong số 82 chủng E.coli được đặc trưng). Chúng bao gồm E.coli tạo ra beta-lactamase phổ rộng (ESBLs), enzyme tạo ra khả năng kháng hầu hết các loại kháng sinh beta-lactam, bao gồm penicillin, cephalosporin và monobactam aztreonam.
Tỷ lệ mẫu dương tính với vi khuẩn E. coli sinh ESBL trên mỗi loại thịt là: 68% thịt gà tây, 56% thịt gà, 16% thịt bò và 12% thịt lợn. Các chủng E. coli sinh ESBL xuất hiện nhiều hơn ở thịt gia cầm so với các loại thịt khác có thể là do sự khác biệt trong quá trình sản xuất và giết mổ.
73% các sản phẩm thịt chứa hàm lượng vi khuẩn E. coli nằm trong giới hạn an toàn thực phẩm.
49% các sản phẩm chứa vi khuẩn E. coli đa kháng thuốc và/hoặc có khả năng gây bệnh. Từ đó, đã tìm thấy và xác định đặc tính 82 chủng vi khuẩn E. coli. Ngoài ra, 12 chủng K. pneumonia đã được tìm thấy từ 10 trong số 100 sản phẩm thịt (7 phần gà, 2 phần gà tây và 1 phần lợn).
27% sản phẩm thịt có chứa vi khuẩn E. coli ngoài đường ruột (ExPEC) có khả năng gây bệnh ngoài đường tiêu hóa. ExPEC gây ra phần lớn các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn huyết ở người trưởng thành (nhiễm trùng huyết) và là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
6% các sản phẩm thịt có chứa vi khuẩn E. coli gây bệnh đường tiết niệu (UPEC) – UPEC thuộc nhóm ExPEC; chúng có những đặc điểm độc lực cụ thể cho phép chúng gây ra UTI.
1% các sản phẩm thịt chứa vi khuẩn E. coli chứa gen mcr-1. Gen này quy định khả năng kháng colistin, một loại kháng sinh được sử dụng cuối cùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh khác gây ra.
Khuẩn E. coli trong thịt có thể dẫn đến nhiều bệnh trạng. Ảnh: Getty Images
Các tác giả của nghiên cứu nói rằng những phát hiện mới nhất của họ cho thấy người tiêu dùng cũng có thể tiếp xúc với những vi khuẩn này thông qua thịt bò và thịt lợn. Họ đang kêu gọi thường xuyên đánh giá mức độ vi khuẩn kháng kháng sinh, bao gồm cả ExPEC, trong các sản phẩm thịt.
Tiến sĩ Mora cho biết thêm: “Quá trình chế biến từ trang trại đến bàn ăn phải là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ, việc triển khai các phương pháp giám sát trong phòng thí nghiệm để cho phép nghiên cứu sâu hơn về vi khuẩn có độ rủi ro cao (ở động vật trang trại và thịt) và sự tiến hóa của chúng do các hạn chế mới nhất của Liên minh châu Âu về sử dụng kháng sinh trong thuốc thú y.
Cần có các chiến lược ở cấp độ trang trại, chẳng hạn như vắc-xin, để giảm sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn đa kháng thuốc ở động vật lấy thịt, làm giảm rủi ro trong quá trình vận chuyển thịt và giảm rủi ro cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong an toàn thực phẩm thông qua việc xử lý thực phẩm đúng cách. Lời khuyên dành cho người tiêu dùng bao gồm: Sau khi mua thịt từ siêu thị thì nên nhanh chóng đem về và bảo quản đúng cách trong tủ lạnh (tránh phá vỡ chuỗi cung ứng lạnh), khử trùng dao, thớt và các dụng cụ khác dùng để sơ chế thịt sống một cách thích hợp để tránh lây nhiễm chéo và nấu chín kỹ thịt.”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.