Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng các bộ ban ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP
Với chủ đề xuyên suốt là phát triển nhanh vùng Tây Nguyên, hội nghị tập trung giới thiệu các danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020; giới thiệu các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên, danh mục các dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 cũng như các chủ trương của Chính phủ để phát triển kinh tế Tây Nguyên.
Tây Nguyên là vùng đất bazan được xếp vào loại tốt nhất trên thế giới. Đất đai và khí hậu nơi đây rất phù hợp đối với việc trồng cây lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Trong nhiều năm gần đây, các cây trồng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích gieo trồng và tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, sắn, lúa, ngô… Trong đó cà phê, hồ tiêu đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam và trên thị trường thế giới; cà phê chiếm hầu hết diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam; cao su đã có bước tăng trưởng rất nhanh về diện tích từ khi thực hiện chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su (2008).
Phát biểu tại hội nghị, ông Điểu K’ré - Phó ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: Đảng, Nhà nước xác định xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc. Để thực hiện mục tiêu đó, các tỉnh Tây Nguyên xác định 3 nhóm giải pháp, đó là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hoá có quy mô lớn, gắn với thế mạnh của vừng theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sạch và có giá trị gia tăng cao, đồng thời tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông-lâm sản”.
Cũng theo ông Điểu K’ré: Tây Nguyên xác định tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng vùng chăn nuôi đại gia súc, đây là trọng tâm phát triển để đến năm 2020 cơ bản có nền nông nghiệp hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh, trong đó ưu tiên phát triển cây công nghiệp chủ lực như, cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, điều.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: “Hiện nay số lượng doanh nghiệp ở Tây Nguyên chỉ chiếm chưa đầy 3% các doanh nghiệp đầu tư trên cả nước, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực canh tranh thấp. Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi đề nghị các tỉnh vùng Tây Nguyên chỉ đạo thực hiện các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở phân tích đúng tiềm năng từng vùng, rà soát quy hoạch các vùng công nghệ cao phù hợp. Tạo môi trường lành mạnh, giảm thủ tục hành chính, thực hiện đầy chủ công bằng các ưu đãi hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh công nghệ chế biến dịch vụ, tận dụng lợi thế giao thương hàng hóa với các nước trong khu vực, quản lý chặt chẽ giống cây trồng vật nuôi, tổ chức các giải pháp phòng chống dịch bệnh”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.