Tây Ninh chi hơn 100 tỷ đồng cải thiện liên kết sản xuất

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 27/02/2019 13:00 PM (GMT+7)
Giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh Tây Ninh dự kiến chi ngân sách hơn 100 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Bình luận 0

Dự thảo quy định về chính sách hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn từ khâu chính sách cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, và nâng cao giá trị gia tăng các nông sản.

Chưa có nhiều chuyển biến

Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, giai đoạn từ năm 2013 - 2018, tổng kinh phí thực hiện cho các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 137,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, Tây Ninh đã triển khai thực hiện 7 chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí gần 98 tỷ đồng.

img

Chuối già Nam Mỹ là một trong mặt hàng từng bị doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng bao tiêu khi trượt giá.  Ảnh: Nguyên Vỹ

"Việc hỗ trợ liên kết sản xuất theo nghị quyết của tỉnh nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở hợp tác các bên liên quan, hướng đến mục tiêu thúc đẩy các hình thức liên kết mới, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới...”. 

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành phát triển được nhiều mô hình liên kết đa dạng trong sản xuất và tiêu thụ. Có các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết thâm canh lúa theo hướng VietGAP, gắn với xây dựng cánh đồng lớn trên diện tích 20.368ha với hơn 11.300 nông hộ tham gia.

UBND tỉnh đã phê duyệt 5 dự án vùng cây ăn trái nhằm hỗ trợ chi phí mua giống cây trồng cho các nông dân tham gia xây dựng cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện còn không ít nông hộ sản xuất nhỏ lẻ đang phải chật vật tự tìm đầu ra trong lúc thị trường nông sản có nhiều biến động. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân thường xuyên phải bán thô sản phẩm, bị thương lái ép giá hoặc không đủ khả năng đáp ứng nguồn hàng ổn định về số lượng và chất lượng cho đơn vị tiêu thụ.

Đơn cử như các siêu thị thuộc Saigon Co.op Tây Ninh, dù có mặt tại 100% các huyện, thành phố trong tỉnh nhưng sản phẩm nông nghiệp của địa phương cung ứng vào hệ thống này chưa nhiều, do chưa bảo đảm về số lượng lẫn chất lượng.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ nông nghiệp được triển khai chưa hiệu quả. Do cơ chế chưa cụ thể, nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để phát triển vùng nguyên liệu. Chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn cũng cần thay thế bằng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phù hợp hơn với tình hình thực tế địa phương.

Đẩy mạnh hỗ trợ liên kết

Ngay cả việc triển khai thực hiện các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX và nông dân thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp sau ký hợp đồng liên kết nhưng không thực hiện đúng hợp đồng hoặc chưa tiêu thụ hết số lượng nông sản sản xuất theo hợp đồng. Hoặc có tình trạng doanh nghiệp thay đổi việc phân loại sản phẩm dẫn đến thay đổi giá nông sản phẩm làm ảnh hường đến thu nhập của nông dân tham gia liên kết.

Theo Sở NNPTNT, việc phát triển các hình thức liên kết vì thế còn thiếu tính bền vững, sự lan tỏa các mô hình liên kết còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh.

“Để khắc phục, việc trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019 - 2025 là cần thiết”- ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết.

Theo dự thảo, chính sách ưu tiên khuyến khích hỗ trợ các ngành hàng, sản phẩm quan trọng, sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng không bao gồm cây cao su và cũng không áp dụng hỗ trợ đối với các cây trồng, vật nuôi gia công đã có hợp đồng liên kết tiêu thụ trước đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem