Tây Ninh: Nuôi loài cá ví như "nhân sâm nước" trong bể nổi khổng lồ, ông nông dân này bắt bán hàng tấn

Nguyễn Duy Thái Sơn (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh) Chủ nhật, ngày 18/07/2021 19:01 PM (GMT+7)
Nhận thấy bà con trong vùng cứ lẩn quẩn với các đối tượng thủy sản truyền thống cũ như cá rô, cá lóc, điêu hồng, rô phi, chép... Anh Mến (tỉnh Tây Ninh) tìm đến tỉnh Hậu Giang, nơi có nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đặc sản thành công theo phương pháp nuôi công nghiệp để học hỏi kinh nghiệm.
Bình luận 0

 Qua quá trình học tập kinh nghiệm nuôi cá chạch lấu, anh Mến nhận thấy nuôi cá chạch lấu trong bể nổi có rất nhiều ưu điểm như: Người nuôi có thể quản lý được môi trường nước, quản lý được lượng thức ăn cho cá, quản lý dịch bệnh tốt hơn…

Nhờ nuôi cá chạch lấu trong bể nổi vậy theo dõi được dịch bệnh để kịp thời xử lý, môi trường nước rất sạch vì mỗi ngày đều thay nước mới.

Nuôi cá chạch lấu trong bể nổi, cặn bã được hút sạch, tỷ lệ thả nuôi cao hơn rất nhiều lần so cách nuôi trong ao đất (ao đất nuôi bình quân 5 -10 con/m2; trong khi đó nuôi trong bể nổi từ 30 - 40 con/m2). 

Tây Ninh: Nuôi loài cá ví như "nhân sâm nước" trong bể nổi khổng lồ, ông nông dân này bắt bán hàng tấn - Ảnh 1.

Anh Mến chăm sóc cá chạch lấu tại trang trại nuôi cá chạch lấu ở ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, TP. Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh).

Tháng 4/2020, anh Mến tiến hành thuê đất tại ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, TP. Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), nơi thuận lợi về nguồn nước để khởi nghiệp với mô hình nuôi cá chạch lấu. 

Anh đầu tư xây dựng 6 bể nổi, 3 ao lắng với tổng diện tích mặt ao 2.500m2 để thả cá lứa đầu tiên. 

Bể được thiết kế hình tròn, đường kính 15 mét, cao 1,2 m được lót bạt nilon rất chắc chắn, bên ngoài là các giá đỡ bằng sắt, bên trên là màn che. 

Chi phí lắp đặt toàn bộ một bể bạt diện tích 180m2 khoảng 35 triệu đồng; thời gian sử dụng từ 5 đến 10 năm.

Tây Ninh: Nuôi loài cá ví như "nhân sâm nước" trong bể nổi khổng lồ, ông nông dân này bắt bán hàng tấn - Ảnh 2.

Khu nuôi cá chạch lấu trong bể nổi của anh Mến tại xã Tân Bình, TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh).

Cá chạch lấu giống được anh Mến mua từ tỉnh Hậu Giang, chia làm 3 đợt thả: đợt 1 vào tháng 4/2020 với 20.000 con, đợt 2 vào tháng 10/2020 với 7.000 con, đợt 3 vào tháng 4/2021 với 12.000 con. 

Theo anh Mến, muốn cá chóng lớn, ăn khỏe thì phải thay nước mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh nguồn nước, do vậy cần có nguồn nước sạch liên tục. Theo đó, anh đã sử dụng nguồn nước từ kênh Tây bơm vào các ao lắng lọc, xử lý qua tia cực tím trước khi bơm vào bể.

Hiện nay anh Mến đang tập trung chăm sóc, đảm bảo cá chạch lấu có sự đồng đều về trọng lượng và chuẩn bị xuất bán lứa đầu tiên. 

Cá trong bể hiện đạt trọng lượng 400-600 gram/con (con giống thả đợt 1), được thương lái thu mua với giá 250.000 đồng/kg. Nếu kéo dài thời gian nuôi, cá càng lớn giá bán càng cao. 

Giá thành sản xuất khoảng 115.000 đồng/kg, nghề nuôi cá chạch lấu mang lại lợi nhuận đạt khoảng 135.000 đồng/kg, với năng suất ước tính khoảng 7 tấn, lợi nhuận mang lại ước tính đạt khoảng 900 triệu đồng/20.000 con.

Nuôi cá chạch lấu trong bể nổi là mô hình thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình thủy sản khác, phù hợp với những hộ dân có ít diện tích thả nuôi, có khả năng nhân rộng để phát huy lợi thế về nguồn nước. Tuy nhiên, để thành công từ mô hình nuôi cá chạch lấu, người nuôi cần có kế hoạch, chiến lược đầu tư phù hợp bởi đây là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật nuôi chăm sóc đầy đủ, bài bản...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem