Tây Ninh quản lý kênh tiêu thủy lợi gặp nhiều khó khăn, người dân còn tự ý lấn chiếm kênh mương

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 13/07/2024 06:10 AM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp Tây Ninh gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý hệ thống kênh tiêu thủy lợi trong khi vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm kênh mương, gây bồi lắng hoặc không đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho các dự án nông nghiệp.
Bình luận 0

Quản lý kênh tiêu thủy lợi là vấn đề mà đại biểu HĐND và cử tri Tây Ninh quan tâm, chất vấn lãnh đạo ngành nông nghiệp Tây Ninh tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, ngày 12/7.

Người dân tự ý lấn chiếm kênh tiêu thủy lợi

Cử tri ở xã Trường Đông (TX.Hòa Thành) cho biết, bờ đê kênh tiêu thủy lợi TN-16 trên địa bàn xã bị sạt lở đã lâu, phương tiện đi lại khó khăn.

Vấn đề này đã được cử tri kiến nghị nhiều lần. Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, cử tri tiếp tục kiến nghị ngành chức năng xem xét, sửa chữa.

Cử tri ở phường An Tịnh (TX.Trảng Bàng) thì kiến nghị ngành chức năng tiếp tục khảo sát, đánh giá và sớm có giải pháp xử lý đối với các tuyến kênh trên địa bàn hiện không còn sử dụng.

Lãnh đạo Sở NNPTNT trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Phương Thuý

Lãnh đạo Sở NNPTNT trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Phương Thúy.

Công tác quản lý nhà nước về hệ thống kênh tiêu thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng được các đại biểu HĐND đặt nhiều câu hỏi chất vấn.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, hiện toàn tỉnh có 368 tuyến kênh tiêu thủy lợi. Các kênh này có nhiệm vụ chính là tiêu nước (cùng một số kênh khác có nhiệm vụ tưới, tiêu kết hợp) cho 96.886ha đất sản xuất nông nghiệp, tổng chiều dài hơn 826km.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh quản lý 218 tuyến, chiều dài hơn 550km; UBND cấp huyện quản lý 150 tuyến, tổng chiều dài 275,8km (nằm trong và ngoài vùng tưới của hệ thống thủy lợi do Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh quản lý).

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 368 tuyến kênh tiêu thủy lợi. Ảnh: Trần Khánh

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 368 tuyến kênh tiêu thủy lợi. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Xuân, hiện nay, công trình xây dựng, hạ tầng, đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển đã làm thay đổi bề mặt tiêu thoát nước, và gia tăng hệ số tiêu thoát nước của lưu vực.

Theo đó, tình trạng các tuyến kênh tiêu cặp theo đường giao thông, khu dân cư tập trung đông đúc bị người dân tự ý lấn chiếm, che chắn, san lấp mặt bằng để xây dựng nhà cửa, cầu, cống. Việc này làm cản trở dòng chảy tiêu thoát nước, gây ra tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa, bão.

Xóa bỏ các tuyết kênh tiêu thủy lợi không còn hiệu quả sử dụng

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, tình trạng lấn chiếm chưa được xử lý dứt điểm do các đơn vị quản lý chưa phối hợp tốt trong việc lập hồ sơ xử lý vi phạm; chậm phát hiện, đình chỉ hành vi vi phạm ngay từ khi phát sinh; hoặc chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Tính đến ngày 1/7, ngành chức năng đã xử lý, giải tỏa được 390/766 trường hợp vi phạm lấn chiếm kênh mương của các hộ dân cư. Ngoài ra, các tuyến kênh tiêu trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều nhưng nguồn kinh phí thực hiện nạo vét, duy tu sửa chữa còn hạn chế.

Quản lý vận hành một kênh thủy lợi ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Quản lý vận hành một kênh thủy lợi ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi hàng năm khoảng 23 tỷ đồng để bố trí sửa chữa theo thứ tự ưu tiên.

Tuy nhiên, nhiều hạng mục công trình xuống cấp vẫn chưa được sửa chữa kịp thời, chờ phân bổ vào kế hoạch năm sau và các năm tiếp theo nên ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ của công trình và giảm hiệu quả phục vụ tưới tiêu.

Sở NNPTNT Tây Ninh cũng đã có báo cáo và đề xuất xóa 11 tuyết kênh tiêu không còn hiệu quả sử dụng, giao đất cho địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng đất, ông Xuân cho biết.

Ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt các cơ quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý hệ thống kênh mương thuỷ lợi; ngăn chặn lấn chiếm vi phạm và hành lang an toàn; nạo vét tu bổ các tuyến kênh phục vụ tưới tiêu, nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Đồng thời, ngành nông nghiệp Tây Ninh cần rà soát toàn diện hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành để tiến tới xóa bỏ, hoặc bổ sung mạng lưới kênh mương phù hợp với tình hình thực tế; phân cấp, phân nhiệm rõ hơn trong trách nhiệm quản lý kênh mương trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem