"Tể tướng mặc cà sa" của nhà Minh: Từ nhà sư áo vải đến đại thần đầu triều

Thứ sáu, ngày 18/03/2022 16:32 PM (GMT+7)
Một nhà sư – đại thần đầy mâu thuẫn của nhà Minh. Mặc quan phục trên triều đình rồi khoác lại cà sa khi bãi triều.
Bình luận 0

Cuộc đời của "tể tướng cà sa" Diêu Quảng Hiếu tràn ngập những điều kỳ lạ. Ông quy hoạch thành Bắc Kinh, soạn "Vĩnh Lạc Đại Điển". Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, cuộc đời của ông có thể nói là độc nhất vô nhị.

Từ nhà sư...

Diêu Quảng Hiếu xuất gia năm 14 tuổi tại am Diệu Trí, lấy pháp danh là Đạo Diễn. Thời thanh niên, trong một lần du ngoạn núi Bắc Cố, Diêu Quảng Hiếu từng tức cảnh làm một bài thơ vịnh cảnh.

Tuy vậy hai câu thơ kết dường như thể hiện chí hướng khác biệt của ông:

"Tiêu Lương đế nghiệp kim hà tại?'' (Cơ nghiệp nhà Lương nay ở đâu?)

"Bắc Cố thanh thanh khách quyến khan." (Người khách đã chán ngắm cảnh núi xanh Bắc Cố)

Chân tướng "tể tướng mặc cà sa" của nhà Minh: Từ nhà sư áo vải đến đại thần đầu triều - Ảnh 1.

Chân dung Diêu Quảng Hiếu (Sohu)

Có thể thấy chí hướng của Diêu Quảng Hiếu không phải ở ẩn tu hành mà là làm bậc hào kiệt lưu danh sử sách.

Năm 1382, với danh nghĩa trụ trì chùa Khánh Thọ ở Bắc Bình, Diêu Quảng Hiếu trở thành mưu sĩ của Yên Vương Chu Đệ. Lúc này, vua Kiến Văn ở Nam Kinh bắt đầu chiến dịch "triệt phiên" – thủ tiêu thế lực của các vương gia chỉ huy quân đội.

Trong thời khắc tồn vong, Diêu Quảng Hiếu đã cật lực khuyên Chu Đệ dấy binh với danh nghĩa "Tĩnh Nạn" để chống lại triều đình nhà Minh. Trong suốt thời gian chiến tranh, Diêu Quảng Hiếu đã đã nhiều lần hiến những kế sách quyết định, đồng thời giúp thế tử Chu Cao Xí trấn giữ sào huyệt Bắc Bình.

...đến tể tướng

Chu Đệ sau khi lên ngôi hoàng đế thành công đã phong Diêu Quảng Hiếu là "Tăng Lục Ty Tả Thiện Thế, Tư Thiện Đại Phu, Thái Tử Thiếu Sư", đồng thời trực tiếp giao cho ông việc dạy dỗ hoàng thái tôn Chu Chiêm Cơ. Mỗi lần thiết triều, Chu Đệ đều chỉ gọi Diêu Quảng Hiếu bằng tên chức quan "Thiếu Sư'' mà không gọi tên thật để tỏ lòng tôn kính. Diêu Quảng Hiếu tất nhiên không phụ lòng Chu Đệ khi đã hoàn thành xuất sắc vai trò của tể tướng đầu triều, hoàn thành soạn "Vĩnh Lạc Đại Điển", giúp Chu Đệ dựng thành Bắc Kinh.

Chân tướng "tể tướng mặc cà sa" của nhà Minh: Từ nhà sư áo vải đến đại thần đầu triều - Ảnh 2.

Chân dung Chu Đệ (Sohu)

Để thể hiện sự biết ơn, Chu Đệ từng yêu cầu Diêu Quảng Hiếu nuôi tóc hoàn tục, tiếp nhận phủ đệ và cung nữ để có thể nhận tước vị và truyền cho đời sau. Thế nhưng gần như tất cả các cách ban thưởng đều bị Diêu Quảng Hiếu từ chối. Ông vẫn ở trong chùa, khi thiết triều thì mặc triều phục, quay về chùa lại mặc áo cà sa. Khi ngang qua quê cũ trên đường công cán, Diêu Quảng Hiếu đem tiền thưởng của vua phân phát cho thân thích trong họ tộc.

Năm 1418, Diêu Quảng Hiếu bệnh nặng rồi qua đời. Minh Thành Tổ quyết định triều đình bãi triều truy điệu hai ngày, truy phong Diêu Quảng Hiếu làm "Vinh Lộc Đại Phu, Thượng Trụ Quốc, Vinh Quốc Công, thuỵ Cung Tĩnh", đồng thời đích thân viết văn bia cho lăng mộ. Chu Đệ lúc lâm chung đã để lại di chiếu cho Diêu Quảng Hiếu được phối thờ trong miếu thờ của hoàng gia – Thái Miếu.

Thanh danh tàn lụi

Trong những ngày cuối đời, Diêu Quảng Hiếu đã hoàn thành bộ sách Đạo Dư Lục. Nội dung trong sách có nhiều chỗ chỉ trích Nho Giáo khiến cho quan văn và sĩ tử nhà Minh bất bình, coi Diêu Quảng Hiếu là cái gai trong mắt. Đến khi Chu Chiêm Cơ lên ngôi, các quan văn đầu triều được giao nhiệm vụ viết sử về đời Chu Đệ đã cố xoá mờ sự hiện diện của Diêu Quảng Hiếu trong sách sử, đồng thời phê bình Diêu Quảng Hiệu không hiểu việc quân, quy hết công lao về các võ tướng.

Chân tướng "tể tướng mặc cà sa" của nhà Minh: Từ nhà sư áo vải đến đại thần đầu triều - Ảnh 3.

Chân dung Gia Tĩnh (Sohu)

Càng về giai đoạn sau của nhà Minh, ý kiến khôi phục danh dự cho vua Kiến Văn ngày càng được các quan văn thể hiện rõ rệt, đồng thời các vua Minh - dù đều là hậu duệ của Chu Đệ - cũng ngầm thừa nhận trào lưu này.

Năm 1530, các quan văn đầu triều dâng sớ cho vua Gia Tĩnh xin dừng thờ Diêu Quảng Hiếu ở Thái Miếu. Gia Tĩnh vốn tin theo Đạo Giáo nên nhanh chóng đồng ý đề nghị này.

Đến đời cháu Gia Tĩnh là Vạn Lịch, nhà Minh thậm chí cho phép lập miếu thờ vua Kiến Văn và trung thần tử trận ở Nam Kinh. Sau hơn một thế kỷ nỗ lực, các quan văn và nho sinh nhà Minh đã hoàn thành nguyện vọng lật đổ danh tiếng của Diêu Quảng Hiếu.

Nguyên nhân sâu xa của việc này được cho là bởi vua Kiến Văn vốn thân cận các nhà nho, các nhà nho vì vậy đều ít nhiều phản đối địa vị hợp pháp của Chu Đệ. Nhưng các vua về sau dù sao vẫn là hậu duệ của Chu Đệ nên các nhà nho không thể trực tiếp chỉ trích tiên đế. Như vậy, quân sư hàng đầu của trận chiến cướp ngôi - Diêu Quảng Hiếu - trở thành đối tượng bị phê phán là điều dễ hiểu.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem