Tesla và Trung Quốc: Vì đâu mà "Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt"
Tesla và Trung Quốc: Vì đâu mà "Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt"
Huỳnh Dũng
Thứ tư, ngày 18/08/2021 08:38 AM (GMT+7)
Tesla và Trung Quốc đang dần đi vào quỹ đạo “Vừa hợp tác- vừa đối đầu”, rồi cả "Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Đằng sau quỹ đạo khốc liệt này là cả một loạt các câu chuyện, sự cố đa chiều ẩn chứa phía sau.
Sau khi được "trải thảm đỏ" mời gọi vào Trung Quốc bởi các quan chức chính phủ nước này với điều kiện biệt đãi kiểu như Tesla được toàn quyền sở hữu cổ phần tại Tesla Trung Quốc một thời gian thì giờ đây, hãng xe này đang bị buộc phải cân nhắc lại về chiến lược trên đủ mọi lĩnh vực hoạt động, từ dịch vụ khách hàng cho đến quan hệ công chúng tại chính thị trường mà tỷ phú Musk đang đặt rất nhiều kỳ vọng.
Việc Tesla buộc phải xem xét lại chính mình ở Trung Quốc có nguyên nhân trực tiếp từ việc cơ quan quản lý chú ý quá nhiều đến Tesla trong thời gian gần đây. Ngoài ra, báo chí và truyền thông cũng không ngừng đưa tin tiêu cực về xe của Tesla.
Chính phủ Trung Quốc từng yêu cầu Tesla thu hồi hầu như toàn bộ xe đã bán ra do vấn đề với chức năng kiểm soát hành trình
Đầu năm nay Tesla đã gặp phải vận đen tại Trung Quốc khi các cơ quan có thẩm quyền tỏ ra quan ngại với các rủi ro an ninh, người dùng thì biểu tình lên tiếng về cách công ty trả lời khiếu nại từ khách hàng Trung Quốc. Vào cuối tháng 6/2021, tạp chí Wall Street báo cáo Tesla đã thu hồi hơn 285.000 xe tại Trung Quốc vì vấn đề an toàn với chức năng kiểm soát hành trình (cruise control).
Bộ Quản lý Thị Trường Trung Quốc thông báo rằng, chương trình thu hồi bao gồm 249.855 xe Model 3 và Model Y được sản xuất tại siêu nhà máy Tesla tại Thượng Hải và 35.655 Model 3 được nhập khẩu từ 12/2019 tới 6/2021. Theo cơ quan quản lý, hệ thống kiểm soát hành trình tích hợp trên xe có thể bị kích hoạt ngoài mong muốn gây tăng tốc bất ngờ.
Trung Quốc cấm xe Tesla vào các tòa nhà Chính phủ
Vào cuối tháng 5/2021, chủ sở hữu Tesla được yêu cầu không đỗ xe bên trong một số tòa nhà chính phủ ở Trung Quốc do lo ngại bị ăn cắp thông tin.
Một số nhân viên làm việc cho chính phủ Trung Quốc sở hữu xe Tesla được hướng dẫn đỗ xe bên ngoài các tòa nhà nơi họ làm việc. Lý do được ra lo ngại hệ thống camera xung quanh xe Tesla sẽ chụp và lưu giữ hình ảnh các trụ sở này.
Đây cũng là lần thứ hai có các lệnh cấm liên quan đến chủ sở hữu Tesla tại các cơ sở của chính phủ Trung Quốc. Vào tháng 3, có thông tin tiết cho rằng quân đội Trung Quốc đã cấm xe Tesla vào các khu nhà ở của họ vì lo ngại về việc camera trên xe được sử dụng để do thám.
Elon Musk đã trả lời những lo ngại đó tại diễn đàn phát triển Trung Quốc thường niên. Tại đây, ông chủ Tesla bác bỏ những cáo buộc rằng những chiếc xe của họ đang được sử dụng để làm gián điệp.
Elon Musk trả lời phỏng vấn: "Nếu Tesla sử dụng ôtô để do thám ở Trung Quốc hoặc bất cứ nơi nào, chúng tôi sẽ đóng cửa".
Có nhiều dòng xe mới đều có camera bên ngoài và bên trong, nhưng quân đội Trung Quốc đặc biệt quan tâm vì camera của Tesla có thể được sử dụng để quay phim liên tục và ghi lại dữ liệu. Quân đội lý giải rằng đoạn phim có khả năng được gửi trở lại Mỹ. Họ cũng lo ngại rằng danh sách liên lạc từ các thiết bị di động được đồng bộ hóa có thể bị lấy và thông tin nhạy cảm bị rò rỉ.
Điều này cho thấy, việc thuyết phục các cơ quan nhà nước của Trung Quốc rằng họ không làm gián điệp sẽ rất quan trọng với Tesla, vì quốc gia này là thị trường ôtô lớn nhất thế giới và thị là trường lớn thứ hai của hãng xe điện Mỹ.
Tesla đã trở thành "kẻ thù của toàn dân" ở nhiều nơi tại Trung Quốc
Sau sự cố ngày 19/4 tại triển lãm ô tô Thượng Hải, khi một người dùng trèo lên nóc xe Tesla để phản đối chính sách của công ty, và đòi quyền lợi cho bản thân mà câu chuyện tới nay vẫn chưa được giải quyết một cách trọn vẹn, cái nhìn của nhiều người dân nước này đối với công ty xe điện Mỹ đã dần thay đổi. Cùng với đó là những vụ tai nạn và vấn đề về sự cố phanh xe thường xuyên xảy ra khiến nhiều người tiêu dùng khiếp sợ.
Có thể nói, nhiều mâu thuẫn tích tụ từ trước của Tesla đã cùng bùng nổ trong mùa hè này. Trong vài tháng trở lại đây, Tesla đã trở thành "kẻ thù của toàn dân" ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn. Nhiều chủ xe Tesla bất chợt nhận ra rằng họ dần bị những người khác "chào hỏi" một cách tử tế hoặc ác ý, đôi khi là chế giễu và thậm chí cả tấn công cá nhân. Có người bị hạn chế di chuyển vào một số khu vực, bị chỉ trỏ khi đi trên đường, bị gọi là "kẻ phản bội", thậm chí trở thành đối tượng chế giễu cho một số người quay TikTok.
Tesla- Trung Quốc: "Vừa hợp tác, vừa đối đầu"
Le - nhà sáng lập của Sini Auto Insights - một tập san chuyên theo dõi thị trường xe điện Trung Quốc đã chứng kiến những sự không hài lòng ngày càng tăng của khách hàng với Tesla. Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn với TechNode, ông đã gạt bỏ những lo ngại rằng, các bình luận về dịch vụ khách hàng và vấn đề an toàn của công ty ầm ĩ trên mạng xã hội sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty. Ông có lý do để nói như vậy bởi ngoài những khách hàng không hài lòng, vẫn còn "cả tấn" người yêu Tesla.
Tuy nhiên, mọi thứ ở Trung Quốc thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là khi chính phủ đang quyết định đã đến lúc chấn chỉnh mọi thứ. Trong thời gian qua, Bắc Kinh - thông qua kênh truyền thông của nhà nước đã công khai chỉ trích Tesla và đó là những lời cảnh tỉnh quan trọng nhất.
Bắc Kinh có quyền "đưa một thứ lên và vùi dập nó xuống"
"Xinhua và tờ People's Daily" đã công khai ý kiến cho rằng, Tesla đã thờ ơ với quyền lợi của người tiêu dùng", Anne Stevenson-Yang - nhà sáng lập của công ty đầu tư J Capital Trung Quốc nói.
"Các nhà phê bình nói rằng, Tesla đã hủy bỏ cam kết đầu tư của họ (14 tỷ NDT) và cam kết trả thuế (2,23 tỷ NDT hàng năm). Công ty cũng không đáp ứng mục tiêu doanh thu. Hàng loạt nhà phê bình đã tham gia công kích, yêu cầu đuổi cổ Tesla ra khỏi Trung Quốc, giống như Google. Đáng ngại hơn đó không chỉ là ý kiến của một vài tay viết, đây đang trở thành một chiến dịch chống lại Tesla có tổ chức", Stevenson-Yang nói.
Stevenson-Yang đồng ý với quan điểm và nói Bắc Kinh có quyền "đưa một thứ lên và vùi dập nó xuống. Những lời phàn nàn trên mạng xã hội là một chuyện. Nhưng khi truyền thông nhà nước cũng tham gia vào thì đó rõ ràng trở thành một vấn đề đáng lo với họ". Trong khi đó, Tesla lại rất cần Trung Quốc. Bởi với công ty, việc chiến thắng thị trường Trung Quốc là một phần quan trọng.
Daniel Ives - một chuyên gia phân tích tại Webbush Securites khẳng định: "Khi Trung Quốc là mấu chốt quan trọng cho thành công toàn cầu của Tesla. Elon Musk sẽ phải 'tỏ ra tử tế' ở Trung Quốc để đảm bảo tăng trưởng của Tesla không sụt giảm ở thị trường này. Trung Quốc sẽ chiếm tới 40% số lượng xe điện được giao toàn cầu vào năm 2022".
Có thể thấy, ở một khía cạnh nào đó, Tesla và Bắc Kinh đang vừa hợp tác, vừa đối đầu. Bắc Kinh hoan nghênh sự chú ý mà Tesla dành cho thị trường xe điện. Nhưng cuối cùng, họ lại muốn các thương hiệu quốc gia làm lu mờ Tesla.
"Hiện tại, thị trường xe điện của Trung Quốc đang được thống trị bởi Tesla, SAIC-GM-Wuling Automobile Co. và BYD. Trong tháng 3/2021, ba công ty này chiếm 55% thị trường. Hiện tại, Bắc Kinh vẫn cần Tesla để thúc đẩy thị trường xe điện, nhưng Tesla cần phải hết sức thận trọng", Stevenson-Yang nói. "Nếu một công ty xe điện trong nước thăng hạng, tình thế sẽ rất khác với Tesla".
Điều đó có nghĩa là Tesla có thể phải học cách phản ứng nhanh hơn với người tiêu dùng Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.