Cụ tôi là một “ông đồ già” Hà Nội, gắn bó cả đời mình với phổ cổ Thăng Long từ thời vua Khải Định cho tới những ngày sau giải phóng. Theo lời kể của bà và gia đình tôi, cụ y chang như những gì mà nhà thơ Vũ Đình Liên miêu tả. Cứ Tết đến xuân về, cụ bày mực tàu giấy đỏ, ngồi bên hè phố Hàng Bồ, thảo những nét như phượng múa rồng bay cho những người muốn sắm chữ treo trong nhà dịp năm mới. Cụ viết chữ và bốc thuốc nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng tiếc thay, sau này gia đình chẳng ai theo học Hán Nôm. Các con cháu cụ chuyển sang học chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh,tùy theo từng trào lưu của xã hội, để có thể sống tốt mọi thời mọi nơi. Những chữ thảo, chữ triện, chữ hành cụ viết chỉ còn trong ký ức, hoặc lưu lại đâu đó trên những câu đối trong chùa Lý Quốc Sư, đền Ngọc Sơn, tại những trang gia phả hiếm hoi còn sót lại, và trong niềm tự hào xen lẫn ngậm ngùi của con cháu khi nhớ về một thời đã xa thật là xa.
Tranh: họa sĩ Đình Tân.
Nhưng học chữ gì cũng quý. Bởi học chữ vẫn là học văn hóa, học làm người. Những năm 1940, bà tôi chọn mặc theo cách của những cô gái tân thời, giữ răng trắng tinh, đọc tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, chọn lấy một chàng thư sinh trường Bưởi vì yêu thay vì lấy một người theo sự sắp đặt của gia đình. Tuy nhiên, những lễ nghi của một cô gái con ông đồ thì vẫn còn nguyên, từ việc nhỏ nhất như cách xới 1 bát cơm – không vơi quá để khách thấy ít mà cũng không ngập có ngọn để khách không biết gắp thức ăn vào đâu, cho tới cách quán xuyến trông nom cả một đại gia đình.
Với người Hà Nội, Tết là dịp để các nhà phố cổ “khoe” con gái, con dâu đảm đang khéo léo. Ngay từ sau rằm tháng Chạp, các bà các cô đã náo nức chuẩn bị những thức ngon nhất cho mâm cỗ ngày Tết: măng vầu, gạo nếp, đậu xanh, lá dong, giò xào, thịt đông, ngâm hành, muối kiệu... Bà tôi có 2 cô con gái và 6 cô con dâu. Tết đến là cách để bà thể hiện uy quyền của một “Giả mẫu” trong nhà: cắt cử cô nào cuốn nem, cô nào chọn hoa, cô nào gói bánh chưng, cô nào làm giò thủ... Việc phân công ấy còn gắn luôn với trách nhiệm... chi tiền. Ai được giao việc gì thì lo luôn tiền cho món đó, và vào ngày tất niên, bà sẽ tính toán cộng sổ để ai cũng cảm thấy mình vừa lo được Tết cho gia đình, vừa cảm giác bà thật chu toàn không bao giờ để mình bị... “thiệt”.
Sáng 30, năm nào cũng vậy, con cháu dù ở đâu cũng sẽ trở về tề tựu đông đủ bên ông bà, chuẩn bị bữa cơm tất niên của một đại gia đình ít nhất 3 thế hệ. Nhà tôi nằm trên phố cổ, hình ống, chạy dài đến hơn 20 m, chia thành nhiều gian nhỏ: chỗ cửa hàng, gian nhà khách, khu giếng trời rồi đến phòng ngủ nhỏ, cầu thang lên gác, bếp, sân sau rồi nhà vệ sinh, nhà tắm. Mỗi khoảnh nho nhỏ đó chỉ vài mét vuông, nhưng nó giúp không gian sinh hoạt trở nên linh hoạt, tiện lợi, ai cũng có thể có một góc nào đó cho riêng mình. Nhưng nó chỉ hợp với một gia đình 5-6 thành viên, chứ ngày Tết là một thử thách lớn lao cho cả đại gia đình. Tôi cũng không biết bằng cách nào mà mọi người có thể sắp xếp bữa cơm thân mật cho gần 30 con người, từ già tới trẻ, quây quần trong một không gian nhà ống hẹp, mà ai cũng vui tươi rạng rỡ như thể đây là bữa cơm ngon nhất, vui nhất của năm.
Sau bữa cơm tất niên, mọi người hối hả dọn dẹp để ngôi nhà trở lại sự tươm tất, gọn gàng để đón năm mới. Các gia đình nhỏ tản đi, ai về nhà nấy. Lúc này là khoảnh khắc để gia đình tôi ướp trong mùi thơm ấm áp của những bó mùi già đun sôi chờ được người tắm gội. Theo thứ tự, mẹ tôi sẽ mời bà tắm trước tiên, rồi đến bọn trẻ con, sau đến người lớn, và mẹ luôn là người tắm sau cùng. Tôi rất yêu dáng mẹ khom khom nhặt lá, quét sân, dọn dẹp những thứ cuối cùng trước giờ đón năm mới. Hương mùi vấn vương trên tóc bà tóc mẹ, trên quần áo của tôi, quẩn quanh trong căn bếp suốt hàng tiếng đồng hồ, khiến bao âu lo muộn phiền của năm cũ trôi ào đi mất, chỉ còn lại sự tinh khiết thơm tho trong giờ khắc đón giao thừa.
Và vì thế, dẫu có kể ra những ký ức Tết Hà Nội xưa cũng không phải để hoài niệm, để buồn. Những ký ức đó là nền tảng để thế hệ tôi đón năm mới theo những cách thật riêng, bằng những công cụ thật sành điệu của thời đại như mua sắm điện tử, lượm chữ hay trên mạng, hay hẹn hò chúc Tết qua tin nhắn, qua mạng xã hội, bất kể sự cách biệt về địa lý, văn hóa hay những múi thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.