Trận địa lưới trời
Xem rất kỹ càng giấy giới thiệu của cấp trên gửi xuống, thượng tá Bùi Văn Khỏa- Chính trị viên Đoàn tên lửa 64 phân trần với chúng tôi: “Mong các anh thông cảm vì chúng tôi là đơn vị chiến đấu, lúc nào cũng phải bảo vệ nghiêm ngặt”.
|
Bộ đội Đoàn tên lửa 64 bảo dưỡng vũ khí. |
Anh Khỏa tranh thủ giới thiệu về khí tài của đơn vị mình: Tên lửa S-300 PMU1 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Liên bang Nga sản xuất, được đánh giá là tối tân nhất thế giới hiện nay. So sánh các tính năng với tên lửa Patriot của Mỹ thì tên lửa phòng không S-300 PMU1 đều vượt trội như: Cự ly tiêu diệt xa nhất (trong vòng bán kính 300km), độ cao tiêu diệt cao nhất, vận tốc mục tiêu bị tiêu diệt lớn (2.800m/giây tương đương 10.000km/giờ); trọng lượng đầu đạn, diện tích che phủ bảo vệ của khí tài tên lửa phòng không S-300 PMU1 cũng lớn hơn.
Giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1 từ 120-150 triệu USD, giá một quả tên lửa là 1 triệu USD. Trong quá trình bảo quản, tên lửa luôn được hưởng “chế độ đặc biệt” là bật điều hòa nhiệt độ và máy hút ẩm suốt 24/24 giờ.
|
Xe cẩu tên lửa. |
Đoàn tên lửa 64 đã tiếp nhận tên lửa phòng không S-300 PMU1 được hơn 5 năm và hiện nay đã làm chủ khí tài hoàn toàn. Để làm chủ khí tài tối tân này, đoàn đã cử cán bộ sang học tập ở nước bạn, tiếp cận với khoa học công nghệ thế giới, qua đó đảm bảo năng lực sẵn sàng chiến đấu, đối phó với các tình huống xảy ra trên không, bảo vệ bầu trời thủ đô Hà Nội và miền Bắc.
Sau khi thượng tá Khỏa cung cấp những tính năng kỹ thuật của bộ khí tài đặc biệt này, chúng tôi đã được thực mục sở thị một màn thực hành chiến đấu của đơn vị. Dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng - thiếu tá Trần Quốc Văn, nhận được lệnh chiến đấu, chỉ sau 5 phút cả xe chỉ huy và xe bệ phóng đã được đưa vào vị trí chiến đấu.
Sau những thao tác thành thạo của kíp trắc thủ, buồng chiến đấu của xe chỉ huy radar trung tâm đã quét được mục tiêu giả định. Chỉ huy Trần Quốc Văn ra các mệnh lệnh chiến đấu, các trắc thủ đã nhanh chóng xác định được mục tiêu. Chỉ sau 1 phút 37 giây, trên màn hình radar đã báo mục tiêu bị diệt gọn…
Ăn tết nơi bệ phóng
“Việc trang bị tổ hợp phòng không là quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Được tiếp nhận và sử dụng khí tài hiện đại nhất là vinh dự và trách nhiệm của đơn vị. Với tinh thần và truyền thống anh hùng, chúng tôi không lúc nào lơ là tinh thần cảnh giác, kể cả những ngày tết đến xuân về”. Đó là lời khẳng định của Đoàn trưởng - thiếu tá Trần Quốc Văn.
|
Chuẩn bị trận địa. |
Thượng tá Bùi Văn Khỏa vui vẻ cho biết: “Đối với bộ đội tên lửa thì việc ăn tết ở đơn vị là chuyện bình thường. Theo đúng nghĩa “phòng không” là đơn vị chiến đấu nên để bảo vệ các sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc khánh… thì chúng tôi trực ban 100% quân số, từ chỉ huy đến chiến sĩ không ai được rời đơn vị. Còn trong những ngày tết, chúng tôi vẫn phải duy trì sẵn sàng chiến đấu nên anh em cũng tranh thủ mỗi người chỉ được về nhà 1 ngày thắp hương cho tổ tiên, ông bà rồi lại phải trở về đơn vị. Riêng chỉ huy thì phải trực toàn bộ, dành suất về nhà cho các cán bộ, chiến sĩ khác”.
|
Buồng điều khiển tên lửa. |
Tuy Đoàn tên lửa 64 đóng quân ở gần trung tâm thủ đô, nhưng cán bộ, chiến sĩ cũng không được phép đưa vợ con, người thân vào đơn vị cùng đón Tết. Do tính bảo mật của đơn vị nên ai có người thân đến thăm cũng được mời ra nhà khách chứ không được vào trận địa chiến đấu. Thế nên anh em trong đơn vị vẫn nói đùa với nhau: “Chúng mình là lính phòng không hai trong một”. Thượng tá Khỏa bảo: Có người được về nhà gặp vợ ít quá nên dù đã lấy nhau gần 20 năm nhưng vợ vẫn bảo: “Vợ chồng mình lúc nào cũng như đêm tân hôn”.
Kết thúc màn thực hành chiến đấu, thiếu tá Văn cho biết: “Không giống như các đơn vị chiến đấu khác phải huấn luyện trên thao trường, đặc thù của đơn vị tên lửa S300 chỉ huấn luyện trong xe chiến đấu. Để làm chủ được những khí tài hiện đại này, từ những người lái xe chuyên dụng đến những người điều khiển trong buồng chiến đấu đều phải sang Nga học tập rồi về làm quen. Phải mất 5 năm, cán bộ chiến sĩ mới thành thạo được khi tác chiến”.
Đã được ăn một cái tết bên bệ phóng tên lửa, chiến sĩ Bùi Ngọc Tiến quê ở Phù Ninh (Phú Thọ) cho biết: “Vào bộ đội phòng không, tôi xác định nhiệm vụ bảo vệ vùng trời cho Tổ quốc bình yên để nhân dân vui vẻ đón xuân là quan trọng nhất. Nhưng ngày ăn tết tập thể ở đơn vị cũng rất vui, đơn vị tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các phân đội, rồi thi đấu thể thao, cầu lông, bóng đá, kéo co... Trong những ngày tết, ngoài tiêu chuẩn theo quy định thì các thủ trưởng cũng đã trích quỹ của đơn vị để cho anh em chiến sĩ ăn tết được to hơn và đầy đủ hơn”.
Tạm biệt những người lính đang ngày đêm canh trời, chúng tôi thầm chúc cho các anh một năm mới bình yên, hạnh phúc và may mắn.
Khánh Gia
Vui lòng nhập nội dung bình luận.