Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết, sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT; các sở, ngành và các đơn vị có liên quan; các địa phương tuyên truyền, quan tâm việc quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Cần có trường dành riêng cho trẻ tự kỷ
Nhiều tỉnh đã làm được
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nhiều tỉnh trong cả nước đã thực hiện được việc cấp phép cho các trung tâm giáo dục hoà nhập hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, có sự giám sát của cơ quan chức năng như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên…
Trong khi nhiều tỉnh trong cả nước đã thực hiện được việc cấp phép cho các trung tâm giáo dục hoà nhập hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, có sự giám sát của các sở, ngành thì tại Thanh Hóa vẫn chưa có bất kỳ trung tâm giáo dục hoà nhập nào được cấp phép.
Hiện nay, hầu hết các trường công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều có trẻ tự kỷ theo học hoà nhập. Đáng nói, nhiều trường hợp học sinh bị nặng, nhưng không được đưa đến bệnh viện hay trung tâm dành cho trẻ chuyên biệt.
Có nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng có nguyên nhân do phụ huynh không đủ tin tưởng các trung tâm nên không dám đưa con vào học.
Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Thanh Hóa) cho biết: “Nhà trường có khoảng một chục học sinh dạng tự kỷ. Cho các cháu đến trường học để hoà nhập là tốt. Tuy nhiên việc này chỉ phù hợp với học sinh có biểu hiện ở mức độ vừa phải. Một số học sinh biểu hiện bệnh nặng, thường xuyên đánh bạn, la hét trong giờ học, tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát khiến cô giáo rất vất vả”.
Bà Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa) cũng chia sẻ: “Dạy học sinh tự kỷ khá vất vả, giáo viên phải có kế hoạch riêng, vừa dạy học sinh cả lớp vừa dạy các bạn thuộc đối tượng này.
Nhiều học sinh bị nặng cũng làm ảnh hưởng khá nhiều đến các học sinh khác. Theo tôi nghĩ, cần có trường dành riêng cho học sinh chuyên biệt. Không chỉ giáo viên được đào tạo kỹ hơn về tâm lý học sinh mà họ có kế hoạch và chương trình dạy phù hợp, phân loại đối tượng phù hợp. Như vậy thì chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn”.
Theo bà Thiều Thị Duyên, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, không có môi trường giáo dục chuẩn cho trẻ tự kỷ đồng nghĩa với việc trẻ bị tuột mất “thời gian vàng” để can thiệp. Do đó, cần có sự kiểm soát và chuẩn hóa hệ thống giáo dục, can thiệp đối với đối tượng này một cách chặt chẽ, bài bản hơn.
Bà Duyên cũng cho biết, Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo thành lập đoàn đi kiểm tra vào đầu tháng 7/2024. Đoàn kiểm tra bao gồm: Phòng GD&ĐT; Phòng LĐ-TB&XH cùng đại diện lãnh đạo UBND các phường có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập.
Nhiệm vụ của đoàn là rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các trung tâm trên địa bàn TP Thanh Hóa, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Sở GD&ĐT, từ đó sẽ có tham mưu, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát
Bảo đảm quyền được học tập cho học sinh khuyết tật
“Quan tâm việc quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là cơ bản xác định một mạng lưới các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật. Các trung tâm này tồn tại song song với hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Nó hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu bảo đảm quyền được học tập và học tập có chất lượng của học sinh khuyết tật, nhất là phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng
Trả lời Báo GD&TĐ, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, về quy trình cấp phép thành lập trung tâm, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Nội vụ có văn bản thẩm định, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm. Nếu không đồng ý thì tỉnh có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do.
Sau khi các trung tâm được cấp phép thì Sở GD&ĐT có trách nhiệm tổ chức thẩm định các điều kiện hoạt động và quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa cho phép hoạt động giáo dục thì cũng phải có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do và hướng giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, một số trung tâm có đưa hồ sơ lên Sở Nội vụ và bị “mắc” lại đây.
Do liên quan đến một nội dung trong Nghị định 135. Đó là điều kiện thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập tư thục phải phù hợp với quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, quy hoạch này đang nằm ở dự thảo của một bộ. Vấn đề này, Sở Nội vụ không báo cáo tỉnh nên dẫn đến tình trạng không tìm ra hướng đi cho các trung tâm.
Ông Đầu Thanh Tùng cũng khẳng định, thực hiện Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; UBND tỉnh đã có chỉ đạo tại Văn bản số 19623/UBND-VX ngày 31/12/2023.
Theo đó, giao Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu để triển khai thực hiện các nội dung tại thông tư đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước thực trạng, các sở, ngành cũng như các trung tâm đang lúng túng trong quy trình thực hiện hồ sơ pháp lý, ông Tùng cho biết, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát.
“UBND tỉnh sẽ yêu cầu Sở GD&ĐT cũng như các sở, ngành và các đơn vị có liên quan và các địa phương tiếp tục tuyên truyền về việc thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập công lập hoặc cho phép thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập tư thục đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để biết và thực hiện”, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.