Thạc sĩ kỹ thuật người Việt và cơ duyên thành hot-Instagramer ở Đức

Khánh Thư Thứ năm, ngày 15/03/2018 15:30 PM (GMT+7)
Từ chỗ tập tành chụp ảnh bằng chiếc máy du lịch gom góp tiền mua được, Hoàng Quang Thái hiện giờ đã là chủ nhân của rất nhiều bức ảnh đẹp-xuất-sắc trên Instagram không chỉ được cộng đồng mạng yêu thích mà còn lọt “mắt xanh” của nhiều thương hiệu uy tín và đưa thạc sĩ kỹ thuật người Việt này trở thành hot Instagramer tại Đức.
Bình luận 0

Hôm nay 15.3, kỷ niệm 65 năm ngày Nhiếp ảnh Việt Nam (15.3.1953-15.3.2018), báo điện tử Dân Việt mời bạn gặp gỡ Hoàng Quang Thái - một thạc sĩ kỹ thuật tại Đức kiêm nhiếp ảnh gia Instagram với nhiều tác phẩm được cộng đồng mạng và các thương hiệu quan tâm yêu thích. Hãy cùng khám phá hành trình trở thành một Influencer (người gây ảnh hưởng) trên mạng xã hội của bạn trẻ người Việt sinh năm 1987 này cũng như tìm hiểu thêm những điều thú vị về nhiếp ảnh.

img

Chân dung Hoàng Quang Thái

Tự khắt khe với bản thân mới làm việc được

Tốt nghiệp Thạc sĩ Kỹ thuật Thông tin và Truyền thông tại Đức, con đường nào đã đưa bạn trở thành nhiếp ảnh gia Instagram – một công việc đầy tính sáng tạo và trái ngược hoàn toàn với chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật bạn theo học?

- Mình học trên mạng và học khá nhiều từ Instameet (những buổi gặp gỡ của Instagramer). Một năm có hai đợt Instameet toàn cầu vào tháng 3 và tháng 10. Vào ngày này, những người chơi Instagram trên toàn thế giới sẽ tổ chức gặp nhau, cùng đi chụp ảnh. Khi đi chụp cùng các Instagramer khác, cùng một cảnh đó mình chụp nhưng khi về nhà và xem người ta up ảnh lên, mình thấy họ tìm được những góc chụp lạ, đẹp hơn của mình và mình dần học theo từ đấy. Về sau có những địa điểm thậm chí mình đã tới 4,5 lần rồi, cả những địa điểm rất nổi tiếng và đã được nhiều người chụp, nhưng có những lần mình vẫn bất chợt tìm được một góc chụp mới tại đó, cảm giác rất thích thú.

Theo bạn ưu điểm của Instagram là gì vậy?

- Cái được lớn nhất của Instagram đó là tính cộng đồng rất cao. Khi đến một thành phố mới, mình chỉ cần nhắn cho một người bạn Instagramer nổi bật ở đấy, kể cả nếu không có thời gian họ vẫn sẽ sắp xếp cho một người khác đi cùng mình, đi tìm những chỗ chưa có ai biết chỉ để chụp ảnh. Và sau những buổi gặp gỡ như vậy, mình quen thêm rất rất nhiều người bạn mới. Sau này khi có dịp quay lại thành phố đấy mình cũng có thể liên lạc với họ và được tiếp đón như những người bạn, còn cho mình ở cùng nhà mấy hôm luôn.

img

Mỗi bức ảnh chụp đô thị trên Instagram của Hoàng Quang Thái có không dưới 1 nghìn lượt thích trên Instagram @loewe7

Bạn thấy “chuẩn” chụp ảnh của Instagram có khác gì so với chụp ảnh nghệ thuật thông thường không?

- Khác nhiều chứ. Bản chất Instagram vẫn là mạng xã hội chứ không phải diễn đàn ảnh. Kiểu chụp của Instagram thường rất “clean” - sạch sẽ, rõ ràng, không đi sâu vào chi tiết mà chú ý đến màu sắc. Một chủ đề rất được phổ biến trên Instagram như cầu thang, xoắn ốc, sàn lát đá hoa theo phong cách Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… chẳng hạn. Muốn trở thành Instagramer chuyên nghiệp, mình phải có chủ đề nhất định chứ không thể chỉ chụp vu vơ hôm chụp ngôi nhà, hôm chụp du lịch…

Bạn thấy Instagram của mình thiên về chủ đề gì? Có khi nào vì quá tuân theo chủ đề của bản thân mà bạn lỡ mất các “đơn đặt hàng” không?

- Mình chụp kiến trúc, đô thị, nhưng mình không muốn giới hạn bản thân nên có chụp thêm chân dung. Mặc dù người dùng Instagram thường không thích ảnh chân dung đâu bởi khi bấm like một bức ảnh, họ sẽ nghĩ họ đang like vì người mẫu chứ không phải vì chính bức ảnh ấy. Cũng có những nhãn hàng vì chưa xem profile của mình, chưa biết style của mình là chụp đường phố nên đề nghị mình chụp một cái áo chẳng hạn, thì mình bắt buộc phải từ chối. Phải khắt khe với bản thân mới có thể làm việc được.

img

Một số tác phẩm của Hoàng Quang Thái đăng trên Instagram @loewe7

Khi chụp một bức ảnh, yếu tố nào được bạn chú ý đến nhiều nhất?

- Mình thường chú ý đến bố cục, đường dẫn, khối mảng. Mọi người thường thích chụp vào hai “giờ vàng” – lúc bình minh và hoàng hôn. Khi đó ánh sáng rất đẹp và dịu, đều nhau, ra được màu ấm, không bị hai thái cực quá sáng quá tối và còn mang được nhiều cảm xúc của thời khắc trong ngày. Nhưng mình thích một kiểu chụp khác. Ở Đức, trời mùa hè nắng rất to, ánh sáng quá mạnh sẽ chia làm hai thái cực: một bên là ánh sáng, một bên là bóng nổi, và mình thường kết hợp ánh sáng -  bóng nổi với nhau.

Máy móc chiếm đến 50%

Cá nhân bạn thích chụp bằng điện thoại hay máy ảnh hơn? Và bạn thấy chụp ảnh hay chỉnh ảnh quan trọng và mất nhiều thời gian hơn?

- Để mà bảo chụp bằng máy ảnh hay điện thoại thích hơn thì rất khó nói. Nếu mình chụp cho dự án lớn và đối tác cần bản in khổ rộng thì tất nhiên là nên chụp bằng máy ảnh rồi. Chụp chân dung, công trình kiến trúc đồ sộ cần góc máy rộng thì máy ảnh vẫn tốt hơn. Còn chụp ảnh đời thường thì chụp bằng điện thoại là mình hài lòng rồi.

"Bản chất Instagram vẫn là mạng xã hội chứ không phải diễn đàn ảnh. Kiểu chụp của Instagram thường rất “clean” - sạch sẽ, rõ ràng, không đi sâu vào chi tiết mà chú ý đến màu sắc. Một chủ đề rất được phổ biến trên Instagram như cầu thang, xoắn ốc, sàn lát đá hoa... Muốn trở thành Instagramer chuyên nghiệp, mình phải có chủ đề nhất định chứ không thể chỉ chụp vu vơ hôm chụp ngôi nhà, hôm chụp du lịch…"

- Nhiếp ảnh gia
Hoàng Quang Thái

So về chụp với chỉnh thì mình đánh giá hai cái ngang nhau nhưng có lẽ chụp ảnh quan trọng hơn một chút vì chụp thì mình mới có ảnh để chỉnh chứ (cười). Nhưng quá trình chỉnh ảnh cũng rất quan trọng, ví dụ như chỉnh màu ấm hay lạnh, sạch sẽ hay bụi bặm có thể làm thay đổi hẳn nội dung của anh. Một bức ảnh mình chỉnh chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút thôi vì mình ít chụp chân dung nên không mất quá nhiều thời gian chỉnh sửa chi tiết.

Thiết bị chụp ảnh theo như bạn đánh giá chiếm bao nhiêu % thành công của một bức ảnh đẹp? Bạn có thể “điểm qua” một số máy ảnh mình từng sử dụng không?

- Mình thấy máy móc rất quan trọng, phải chiếm đến 50%. Mình chụp bằng cả máy ảnh và điện thoại, bởi điện thoại bây giờ rất hiện đại, cho ra được bức ảnh tốt. Khi còn là sinh viên, mình xem ảnh mọi người chụp trên Instagram và rất thích, đặc biệt là màu ảnh, nhưng lúc đó mình chưa có điều kiện dùng smartphone. Trước khi sang Đức mình đi làm một thời gian và dành dụm tiền mua được chiếc máy ảnh du lịch đầu tiên. Sau đó mình về Berlin thực tập và mua một cái máy Sony để tập chụp. Năm 2016 có một giải thưởng Influencer Award gồm tất cả những Influencer (người gây ảnh hưởng) của Đức tham gia, trong đó có hạng mục Photo of the year (Bức ảnh của năm), mình mạnh dạn đăng ký, không ngờ được giải, còn được tặng một chiếc máy ảnh Olympus. Sau hơn một năm, khi mình cũng nổi bật một chút trên Instagram thì được Canon tài trợ máy ảnh.

img

Một số bức ảnh chân dung đẹp của Hoàng Quang Thái

img

img

img

img

img

Bức ảnh Hoàng Quang Thái chụp người bạn của mình là Nguyễn Trọng Hiếu - quán quân Vietnam Idol 2015.

Thoải mái với nghề tay trái

Ngoài Canon ra, được biết bạn còn đang hợp tác với Samsung nữa. Bạn có thể chia sẻ thêm không?

- Đó là một dạng hợp đồng ngắn hạn, khi hãng điện thoại ra một mẫu mới, nếu mình thích và đồng ý thì họ sẽ gửi máy cho mình. Mình sẽ chụp 2-3 cái ảnh sau đó đưa lên Instagram của mình và để hashtag nhãn hàng của họ. Hết đợt đó mình vẫn được giữ lại điện thoại và khi đối tác ra mẫu mới thì lại tiếp tục như thế. Ngoài ra ở Đức thường có các sự kiện rất hay của Samsung, mỗi khi ra mắt điện thoại mới họ sẽ chọn một vài người nổi bật tham gia. Ví dụ như tháng 3 này, một nhóm ở Đức bọn mình được Samsung lựa chọn đi du thuyền qua Pháp, Bỉ và Hà Lan một tuần và được tài trợ mọi chi phí với những dịch vụ đãi ngộ cực kỳ tốt.

Wow, chúc mừng bạn nhé! Mình tò mò muốn biết vậy sản phẩm của các bạn từ những sự kiện như vậy được đãi ngộ thế nào?

- Khi có sự kiện gì, Samsung sẽ chọn những người có khả năng chụp ảnh. Khi đi chụp về, mình gửi ảnh lên, hãng sẽ lựa chọn và đề nghị mua một số bức ảnh của mình. Hay ví dụ một lần có hãng hàng không chuẩn bị mở đường bay mới, họ cũng xem Instagram của mình và có chọn mua hai bức ảnh để in băng rôn, in vé trong thời hạn 6 tháng.

img

Có bao giờ bạn gặp phải vấn đề về bản quyền không, ví dụ như hãng nào đó lấy ảnh mà không xin phép, hoặc bị người khác “chôm” mất ảnh chẳng hạn?

- Chỉ có những người dùng Instagram tải ảnh mình về và post lại mà không ghi rõ người chụp thôi, trường hợp này thì có nhiều, nhưng cũng không quá nghiêm trọng vì họ không dùng mục đích kiếm tiền hay đăng báo. Còn mình chưa bao giờ gặp phải trường hợp bị các tổ chức lấy ảnh mà không trả tiền bản quyền. Những gì liên quan đến vấn đề thương mại thì 100% đều liên lạc với mình.

Qua những gì bạn chia sẻ có thể thấy các tác phẩm của bạn đang khá “được lòng” các thương hiệu đấy chứ!

- Có nhiều Instagramer dùng robot để tăng follow (lượng theo dõi). Nhiều nhãn hàng “trẻ” mới đầu chỉ chú ý và lựa chọn những người có nhiều follow để hợp tác mà không xem xét đến chất lượng ảnh. Nhưng với những instagramer ấy thì thường các hãng sẽ chỉ hợp tác một lần và không quay lại nữa. Còn với mình, mình thấy nhiều hãng vẫn quay lại với mình thì có lẽ là mình cũng làm tốt (cười).

Clip: Ngắm thêm những bức ảnh đẹp do Hoàng Quang Thái chụp.

Nghề tay trái mà bạn làm ổn ghê! Nhưng vừa đi làm full-time tại tập đoàn OLX của Đức lại vừa đi chụp ảnh như vậy, bạn sắp xếp công việc của mình ra sao?

- Mình hay tranh thủ cuối tuần đi chụp cho các văn phòng marketing du lịch của thành phố. Còn lại mùa hè trời rất sáng, sau giờ làm là có thể đi chụp được ngay, nhất là khi chụp cho các nhãn hàng. Phong cách của mình là chỉ chụp cảnh thôi chứ không cần hẹn mẫu nên có thể chủ động về thời gian. Trước đây có lần mình cũng có ý định làm tự do hẳn về ảnh thôi, nhưng bạn biết đấy mình hoàn toàn tự học chứ không qua trường lớp và cũng không có chứng nhận nào về nhiếp ảnh nên không thuận lợi trong việc cấp giấy phép lao động ở Đức.

Bạn có bao giờ nghĩ đến việc quay trở về Việt Nam và tiếp tục phát triển công việc tay trái đầy sáng tạo này không?

- Ở Việt Nam, nếu làm về quảng cáo mọi người thường làm trên các kênh như Facebook chẳng hạn. Tất cả các tài khoản chính đều là từ Facebook sau đó người dùng mới link sang các tài khoản khác chứ họ không sử dụng theo đúng phong cách Instagram. Còn ở Đức, gần như không ai post (đăng bài) gì lên Facebook trừ những người hoạt động xã hội quá nhiều. Facebook ở đây không phải là kênh chính thống bởi thói quen sử dụng của người phương Tây và phương Đông khác nhau. Vì thế theo mình, cơ hội cho một nghề tay trái như Instagram thì hiện chỉ ở bên Đức mới có môi trường phát triển mà thôi.

img

Hoàng Quang Thái tại Berlin

Cảm ơn bạn rất nhiều về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc bạn ngày càng thành công trong công việc và trong cuộc sống, luôn tìm thấy những điều thú vị mới mẻ với đam mê sáng tạo của mình!

Hoàng Quang Thái cũng là một tác giả góp mặt trong cuốn sách “1987” phần 2 với tên gọi “1987+: 30 chưa phải là Tết” của nhóm tác giả là những người vừa chạm tới tuổi 30. Cuốn sách do Nick M. chủ biên vừa được NXB Trẻ ra mắt bạn đọc đầu năm 2018. Trong lần thử sức với công việc viết lách này Hoàng Quang Thái đã có một bài viết thú vị về cuộc sống của người Việt trẻ ở bên Đức cũng như niềm đam mê và những cơ hội với nhiếp ảnh.

img

Chúng mình đã đọc cuốn sách “1987+: 30 chưa phải là  Tết” và rất ấn tượng với bài viết của bạn. Xin hỏi “cơ duyên” nào mà bạn lại có mặt trong cuốn sách của Nick M. chủ biên vậy?

- Bọn mình có quen biết trước qua các trang trao đổi thông tin về nước Đức trên Facebook và cũng có nhiều bạn chung nữa. Sau đó anh Ngọc Nick M. có dịp sang Đức cùng một nhóm bạn và đó là lần đầu tiên chúng mình gặp nhau, cùng tổ chức tất niên với các bạn người nước ngoài. Trong chuyến đi đó, Ngọc gửi cho mình một số mẩu chuyện của “1987” phần 1 và ngỏ ý hỏi mình có muốn tham gia viết phần 2 “1987+: 30 chưa phải là Tết” không. Mình đọc các bài viết trong ”1987” và thấy hấp dẫn nên quyết định nhận lời luôn.

img

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem