Hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 là định hướng rất rõ ràng của ASEAN, được ASEAN nhiều lần khẳng định và quyết tâm thực hiện. Indonesia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2011 không gặp nhiều khó khăn trên phương diện ấy, cũng không cần phải sáng tạo thêm gì mới mà chỉ cần tạo điểm nhấn ở việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác của ASEAN với bên ngoài. Việc lần đầu tiên ASEAN tổ chức với Liên minh châu Âu (EU) hội nghị cấp cao về kinh doanh là thành công rất có ý nghĩa của Indonesia.
Cái khó đối với Indonesia trong cả thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng như ở ngay tại hội nghị cấp cao này thuộc về lĩnh vực chính trị an ninh, cụ thể ở ba vấn đề: Tình hình khu vực biển Đông, việc Myanmar đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN sau bầu cử Quốc hội mới rồi và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Thái Lan và Campuchia.
Những cố gắng của nước chủ nhà dường như chưa đưa lại được kết quả như mong muốn. ASEAN chưa có được sự đồng thuận quan điểm bền chặt về đánh giá thực trạng và định hướng giải pháp cho cả ba vấn đề trên. Chính vì thế mà vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề ấy cho tới nay vẫn còn rất hạn chế, vẫn còn danh nghĩa nhiều hơn thực chất.
Điều đấy không phải là khó hiểu và phần nào vượt quá khả năng của Indonesia. Nguyên tắc hoạt động của ASEAN là coi trọng đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên. Những thách thức này đối với thành công của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 ở Jakarta không dễ vượt qua và vẫn sẽ là thách thưc đối với ASEAN trong cả thời gian tới.
Triệu Anh Túc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.