Sở dĩ tôi dùng từ lại được “dậy sóng”, bởi trước đó, nông nghiệp đã “đón” hàng loạt đại gia trái ngành tham gia, điển hình như Vingroup, Hòa Phát, TH true Milk… Cùng với sự chung tay của các “đại gia” nông nghiệp truyền thống trước đó như Vinamilk, Dabaco, Minh Phú, Ba Huân, Vinamit…, chưa bao giờ ngành nông nghiệp có sức hút mạnh mẽ như bây giờ. Đó là câu chuyện “kéo” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Việc một số đại gia trái ngành bắt tay vào làm nông nghiệp báo hiệu những tín hiệu khởi sắc của nông nghiệp Việt Nam. Công ty CP ô tô Trường Hải - THACO khẳng định sẽ đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: T.L
Vì sao ngành nông nghiệp lại “đón” hàng loạt “đại gia” tham gia? Chúng ta thử điểm ra một vài con số của ngành nông nghiệp: Xuất khẩu 31 tỷ USD, trong đó 10 mặt hàng có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên; giá trị thặng dư thương mại, khoảng gần 9 tỷ USD (tức xuất siêu lớn) và giá trị tiêu dùng trong nước cũng tương đương con số xuất khẩu. Những nông dân tỷ phú xuất hiện cũng ngày càng nhiều.
Tác động vào sự thay đổi trên do chính bản thân nội tại của ngành cũng phải thay đổi, song phần quan trọng hơn cả là chính sách tái cơ cấu nông nghiệp do Chính phủ ban hành và ngành nông nghiệp đang thực thi tốt. Khi chia sẻ về kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp, ông Trần Bá Dương -Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP ôtô Trường Hải cảm ơn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vì đã động viên, khuyến khích ông đến với nông nghiệp.
Ông Dương kể, ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gọi điện mời ông Dương ra văn phòng Bộ để bàn bạc, nghiên cứu việc đầu tư vào nông nghiệp. Đó chính là sự thay đổi trong chính sách, trong cách chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu ngành nông nghiệp.
Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn, các doanh nghiệp nói đầu tư vào nông nghiệp chỉ là “chém gió”, theo phong trào. Nhưng nhìn rộng ra thế giới, chúng ta đã thấy, những công ty nông nghiệp có giá trị vài chục tỷ USD đã chi phối thế giới thế nào thì mới thấy được “sức mạnh” và tiềm năng kiếm tiền từ nông nghiệp. Điển hình mới nhất là các vụ sáp nhập, mua bán các công ty như Syngenta, Monsanto đều có giá từ 40-60 tỷ USD và còn hàng loạt các tên tuổi là các tập đoàn lớn chuyên về nông nghiệp như Bayer, Nestlé, BRG… đang chi phối cả thế giới.
Tới đây, khi nút thắt về đất đai (Điều 193 được sửa đổi), nguồn vốn cho nông nghiệp được tháo gỡ, vấn đề mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai, chắc chắn làn sóng đầu tư vào nông nghiệp sẽ còn tăng cao, chứ không phải chỉ là cơn sốt nhất thời như việc đầu tư vào chứng khoán, bất động sản…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.