90 khu công nghiệp bị nhấn chìm
Thủ tướng nước này, bà Yingluck Shinawatra chỉ thị, “cứu người trước khi cứu của” khi nguy cơ 8 tỷ m3 nước đang có khả năng chọc thủng tuyến phòng thủ và trên đường tràn về Bangkok.
|
Ngập lụt nghiêm trọng tại tỉnh Ayutthaya. |
Số liệu từ Cơ quan Cảnh báo lũ lụt Quốc gia Thái Lan ngày 16.10 cho biết, đã có 297 người thiệt mạng và 2 người mất tích vì lũ, 60 trong số 76 tỉnh, thành trên cả nước bị ảnh hưởng vì lũ lụt, hàng triệu dân các tỉnh được lệnh di tản khẩn cấp.
Bộ Công nghệ Thái Lan ước tính đã có 90 khu công nghiệp bị nước lũ nhấn chìm, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 60.000 công nhân.
Tại tỉnh miền Trung Ayutthaya, nơi thiệt hại nặng nề nhất do lũ gây ra, ngày 15.10, tuyến đê phòng thủ đã bị chọc thủng và nước lũ tràn xối xả vào nhấn chìm một số khu công nghiệp.
Sau khi nước lũ cao khoảng 80cm tràn vào Khu công nghiệp Bang Pain và phá vỡ một đoạn đê tạm thời, chính quyền đã ra lệnh cho các công nhân sơ tán. Quận trưởng Pang Pain - ông Nathee Borsuwan - xác nhận, nước lũ đã tràn vào khu công nghiệp trên và mọi người đã được lệnh di chuyển tới khu vực an toàn ngay lập tức.
Tại tỉnh Pathum Thani, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố. Tỉnh trưởng Phirasak Hummueangkao cho biết, lệnh này nhằm ngăn chặn cư dân các địa phương đang cố ý phá hủy các tuyến đê bao tạm thời để tháo nước cho tỉnh mình, song điều này rất nguy hiểm, bởi đê bao ở tỉnh Pathum Thani là những tuyến huyết mạch ngăn chặn dòng nước lũ khổng lồ từ các tỉnh đang dồn về thủ đô.
Ngày 16.10, Báo Bưu Điện Bangkok dẫn lời chỉ huy quân đội Thái Lan - Tướng Prayunth Chan cho biết, quân đội đang nỗ lực ngăn dòng lũ tràn vào tỉnh Navanakorn, nơi đóng đô của 227 khu công nghiệp với số vốn đầu tư hơn 100 tỷ baht và có hơn 180.000 công nhân.
Nỗ lực cứu Bangkok
Ngày 16.10, phần lớn người dân ở thủ đô Bangkok đã được sơ tán đến nơi an toàn, nhưng một tâm lý nặng nề đang đè lên họ, liệu Bangkok có biến thành sông khi nguy cơ vỡ đê là rất cao. Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan cũng đang nỗ lực ngăn chặn nước lũ chảy về thủ đô Bangkok, trong bối cảnh triều cường gây trở ngại cho nỗ lực bảo vệ thành phố có 12 triệu dân này.
50 văn phòng quận của thủ đô Bangkok đã được lệnh chuẩn bị sơ tán khi tuyến phòng thủ cuối cùng ở phía bắc Bangkok đang bị nước lũ chọc thủng. Thủ tướng Yingluck tuyên bố, Chính phủ Thái Lan sẽ bằng mọi cách có thể để làm chệch dòng lũ sang hướng đông và tây của Bangkok, sau đó sẽ tháo nước ra biển.
Ba bờ đê ngăn lũ bảo vệ nội ô Bangkok đã được hoàn thành trong ngày 13.10. Khoảng 1,7 triệu bao cát đã được đưa đến để gia cố các bờ đê ở khu dân cư Muang Ake, Rangsit Khlong 5 và Taling Chan nằm sau khuôn viên Salaya của Trường Đại học Mahidol.
Giới chức Thái Lan cho biết thiệt hại trên toàn quốc do lũ lụt năm nay có thể lên tới 130 tỷ baht và giảm tăng trưởng kinh tế 1,3%. Chính phủ Thái Lan cho biết trận lũ lụt này là “tồi tệ nhất trong 50 hoặc 60 năm”.
Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra đã ban hành lệnh báo động đỏ sau khi đi thị sát bờ bao chắn lũ ở khu dân cư Muang Ake, thuộc tỉnh Pathum Thani cách thủ đô Bangkok 15km về phía bắc. Ông Paribatra cảnh báo 27 cộng đồng ở Bangkok có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước lũ tràn từ tỉnh Pathum Thani sang.
Chính quyền Bangkok đã điều động toàn bộ nhân viên tòa thị chính đi gia cố bờ đê chắn lũ dài 3km, cao 1,5m thêm 30cm nữa với hơn 200.000 bao cát ở khu Don Muang. Tuy nhiên, ông Paribatra cũng cho rằng, không thể tiên lượng được dòng chảy của nước, trong hoàn cảnh xấu nhất, khi nước lũ tràn vào, Don Muang sẽ bị nhấn chìm.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.