Thái Nguyên: Đi học trồng rau, thú y, nông dân tự tin đầu tư 1,5 tỷ đồng nuôi gà

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 13/08/2020 06:02 AM (GMT+7)
Song song với dạy nghề phi nông nghiệp, thời gian qua, thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh dạy nghề nông nghiệp. Nhờ được học nghề mà nhiều nông dân có việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo.
Bình luận 0

Khởi nghiệp làm giàu nhờ được học nghề

Từng là lao động được đào tạo nghề chăn nuôi thú y theo Đề án 1956, sau học nghề, anh Nguyễn Mạnh Linh (xã Đồng Cao, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư 1,5 tỷ đồng để mở trang trại chăn nuôi gà mái đẻ.

Dạy nghề giúp nông dân nâng cao thu nhập  - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi gà đẻ của anh Nguyễn Mạnh Linh (xã Đồng Cao, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: M.N

Sau 3 năm, anh đã xây dựng được trang trại nuôi gà rộng 3ha, với quy mô 5.000 gà đẻ. Không chỉ sản xuất trứng cấp cho nhà máy ấp trứng gà, anh đã tự đầu tư dây chuyền mở ấp trứng. Hiện nay, anh Linh còn mở rộng quy mô sang chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm.

Anh Linh tâm sự, là nông dân, bố mẹ đều làm nông nghiệp nên anh quyết tâm gắn bó với nghề. Lúc đầu, anh cũng loay hoay không tìm được hướng phát triển, mãi cho tới khi được giới thiệu học nghề.

"Lớp dạy nghề chăn nuôi thú y không chỉ giúp tôi cập nhật được kiến thức mà còn giúp tôi có thêm các kiến thức về khởi nghiệp kinh doanh. Kết thúc lớp học, tôi được nhà trường và các thầy cô kết nối với các đơn vị cung ứng thuốc thú y, con giống, thức ăn... để khởi nghiệp" - anh Linh kể lại.

Để mở rộng kinh doanh, anh Linh cho biết, anh đang học lên lớp trung cấp chăn nuôi thú y ở Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên. Hiện tại, mô hình của anh Linh đã được rất nhiều hộ nông dân ở xã Đồng Cao (Phổ Yên, Thái Nguyên) học tập, nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Tiến - giảng viên ngành chăn nuôi Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên cho biết, 100% học viên lớp chăn nuôi ra trường đều tìm công việc mới, hoặc làm công việc cũ nhưng năng suất lao động tăng hơn trước đó.

"Ngoài học kiến thức, kỹ năng ngành chăn nuôi, trường cũng chú trọng đào tạo thêm các kỹ năng mềm cho lao động ngay trong quá trình học. Ví dụ như kỹ năng khởi sự kinh doanh, kỹ năng maketing sản phẩm, hoặc thực hiện kết nối giữa các học viên với các doanh nghiệp bao cung ứng giống, thuốc thú y, cơ sở bao tiêu sản phẩm... " - ông Tiến nói.

Hơn 1.300 nông dân được học nghề

Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2019 tỉnh đã đào tạo nghề cho 1.380 lao động nông thôn. Trong đó, số lao động làm trong các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản của doanh nghiệp là 30 người. Đây là học viên lớp trồng rau an toàn tại xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Các lao động sau học nghề được giới thiệu vào trồng rau tại Công ty Nam Hòa Xanh. Ngoài ra còn 74 học viên khác đào tạo nghề và về làm tại các trang trại, hợp tác xã trồng rau bò khai (Cù Vân, Đại Từ)... Ngoài ra có tới 1.276 nông dân được hỗ trợ đào tạo nghề, đảm bảo tiếp cận chính sách an sinh - xã hội của địa phương.

Dạy nghề không chạy theo số lượng

Từ 2016 tới nay, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách cho đào tạo nghề nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên lên dự toán và chủ trì.

Ngoài kinh phí từ ngân sách trung ương, địa phương cũng có bổ sung ngân sách đối ứng nhưng không nhiều. Năm 2020, dự kiến nguồn kinh phí đào nghề cho lao động nông thôn là 7,7 tỷ đồng.

"Mặc dù hiện nay, mỗi năm chỉ đào tạo nghề cho 4.000 lao động, giảm một nửa so với kế hoạch nhưng điều này phù hợp với định hướng mới của tỉnh về dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, tỉnh quán triệt mục tiêu không chạy theo số lượng, phải đảm bảo chất lượng, chỉ đào tạo khi giải quyết được đầu ra" - ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Trưởng Phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Ông Dương Văn Tuyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả, góp phần tích cực trong việc thay đổi cách tư duy, cách làm trong đại đa số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

"Thay đổi lớn nhất chính là gắn học nghề với phát triển sản xuất, tạo điều kiện để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành chuối liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm" - ông Tuyên nói.

Hiện nay nhiều mô hình dạy nghề nông nghiệp phát huy hiệu quả cao như: Lớp trồng đào, quất cảnh tại xã Minh Lập, trồng rau tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ; trồng rau an toàn tại xã Cù Vân, huyện Đại Từ (Thái Nguyên); trồng hoa huệ, lay ơn, đồng tiền, hồng môn tại Phường Cam Giá, TP.Thái Nguyên...

Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề nên thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tỉnh Thái Nguyên năm 2018 đạt 38,63 triệu đồng/người/năm, cao hơn 7,6% so với bình quân chung của cả nước (35,9 triệu đồng) và cao hơn 38% so với bình quân khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2018 cũng giảm còn 8,47%.

"Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục làm chặt khâu khảo sát nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp của người lao động nông thôn. Việc đăng ký nhu cầu đào tạo phải phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Đặc biệt phải gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên" - ông Tuyên nói.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem