Thai phụ xông hơi giải cảm, cẩn thận mất con

Thứ sáu, ngày 11/03/2016 18:21 PM (GMT+7)
Theo đó, để giải cảm, nhiều người thường áp dụng phương pháp xông hơi bằng các loại lá chứa tinh dầu. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai không được xông hơi vì có thể gây hại cho thai nhi.
Bình luận 0

Chóng mặt, bủn rủn chân tay sau khi xông hơi

Bước vào tuần thai kỳ thứ 10, chị Nguyễn Hồng Thi (ở Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) vừa trải qua một trận cảm cúm kéo dài cả tuần lễ. Chị bảo, với mọi người, cảm cúm có thể là chuyện bình thường về “bệnh thời tiết”, nhưng đây là trận cảm nhớ đời với mẹ con chị vì suýt nữa chị đã mất đứa con đầu lòng trong bụng.

img

Các chuyên gia khuyến cáo, bà bầu tuyệt đối không được xông hơi giải cảm vì sẽ gây hại cho thai nhi. Ảnh minh họa

Chị Thi kể: “Tuần trước, vợ chồng tôi đi Sa Pa chơi. Đây vừa là chuyến du xuân, vừa là dịp để kỷ niệm 1 năm ngày cưới. Biết trước ở trên đấy sẽ lạnh hơn Hà Nội nên chúng tôi đã chuẩn bị quần áo rất cẩn thận. Thế nhưng, không hiểu sao, ngay ngày thứ hai ở trên đó, tôi đã bị cảm. Cả ngày phải ngồi trong phòng với cơn ho, hắt hơi liên tục, nước mắt, nước mũi cứ giàn giụa”.

Theo chị Thi, vì sợ ảnh hưởng đến đứa con trong bụng nên chị không dám dùng các loại thuốc trị cảm cúm. Tuy nhiên, khi về đến Hà Nội, các triệu chứng cảm cúm vẫn nhất quyết không “tha” cho chị. Thấy vậy, mẹ chồng chị bày cho cách xông hơi bằng các loại lá như: Bưởi, tía tô, ngải cứu, sả… Không rõ tác dụng ra sao nhưng sợ làm phật ý mẹ chồng nên chị đã đồng ý áp dụng phương pháp này.

Chị Thi kể lại: “Tôi ngồi trên chiếc ghế nhựa có nhiều lỗ thủng, bên dưới là nồi nước lá đã được đun sôi đang bốc hơi nghi ngút. Bà bảo tôi cởi hết đồ, trùm chiếc chăn kín mít để giữ nhiệt. Được khoảng 10 phút, thấy trong người khó chịu, có cảm giác khó thở. Tôi bỏ chăn ra, hai chân bủn rủn bước xuống nền nhà. Ngay sau đó, tôi bị chóng mặt, nền nhà quay cuồng. Đến khi nhận thức lại được thì thấy mình đang nằm trong Trung tâm Y tế của quận. Lúc ấy mới biết, tôi đã ngất vài giờ đồng hồ. Hôm ấy, cả nhà tôi được phen hú vía”.

Chị Thi cho hay, khi tỉnh lại, các bác sĩ “trách” mẹ con chị: Có thai mà dám xông hơi là… làm liều. May chưa ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Đã có trường hợp thai nhi khi sinh ra bị khuyết tật do người mẹ đã xông hơi trong quá trình mang thai.

Thai phụ tuyệt đối không xông hơi

Theo Đông y, xông hơi với lá là phương pháp giúp giải cảm đơn giản có nguồn gốc lâu đời trong dân gian. Bởi lẽ, khi cơ thể bị cảm, lỗ chân lông bị bít lại, gây tắc khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, ngạt mũi, đau họng… Khi xông, hơi nước nóng làm giãn các mạch máu ngoại biên, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài giúp giảm đau, bớt đau đầu, chóng mặt, khó thở, người bệnh cảm thấy dễ chịu, khoan khoái.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Vương Tiến Hòa - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, xông hơi giải cảm là phương pháp dân gian được nhiều người áp dụng và đem lại hiệu quả khá tốt. Thế nhưng, đối với phụ nữ mang thai, việc này lại có thể gây hại. PGS.TS Vương Tiến Hòa nhấn mạnh: “Khi xông hơi ở nhiệt độ 39 - 40 độ C, có thể làm thai chết trong bụng mẹ. Vì vậy, với phụ nữ mang thai dù ở tháng nào cũng tuyệt đối không được xông hơi hay dùng lá xông giải cảm, gây nguy hiểm tính mạng em bé trong bụng”.

Đồng quan điểm trên, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, phụ nữ mang thai tuyệt đối không được xông hơi vì có thể dẫn đến nguy cơ sẩy thai. Lương y Vũ Quốc Trung phân tích: “Khi xông hơi, phụ nữ mang thai phải ngồi trong chăn kín và chịu sức nóng rất lớn từ nồi nước xông. Điều này làm nhiệt độ cơ thể thai phụ tăng lên kéo theo tình trạng nước ối cũng nóng dần, không tốt cho bào thai. Nếu nhiệt độ cơ thể mẹ lên đến trên 38 độ C, nguy cơ sẩy thai là rất lớn”.

Ngoài ra, nhiệt độ quá cao, cộng với việc quấn chăn kín sẽ khiến thai phụ có thể bị ngột ngạt, khó thở, ngăn cản quá trình đưa khí oxy đến với em bé. Không những thế, sau khi xông hơi, thai phụ có thể bị hạ huyết áp. Tình trạng huyết áp thấp sẽ làm giảm số lượng máu dẫn đến cho thai nhi. Bên cạnh đó, nồi nước xông với nhiệt độ cao (có thể xấp xỉ 100 độ C) có thể gây bỏng cho thai phụ nếu bất cẩn chạm vào. Điều này vừa gây tổn hại cho mẹ, vừa không tốt cho sức khỏe của thai nhi.

Chia sẻ thêm về các việc giải cảm cho phụ nữ mang thai, PGS.TS Vương Tiến Hòa lưu ý, việc bấm huyệt, xoa bóp, cạo gió với bà bầu cũng cần phải tránh. Bởi lẽ, việc này có thể làm kích thích tử cung dẫn đến sẩy thai hoặc gây nguy hiểm cho thai nhi.

PGS.TS Vương Tiến Hòa tư vấn, những ngày nhiệt độ thấp rất dễ bị cảm cúm. Do vậy, bà bầu cần chú ý giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt, khi ra khỏi nhà cần mặc ấm, quàng khăn, đeo găng tay, đi tất chân đầy đủ.

Bên cạnh đó, kết hợp tập luyện các bài tập đơn giản như yoga, đi bộ… sẽ giúp thai phụ tăng cường sức đề kháng, chống lại các virus gây hại cho cơ thể. Ngoài phụ nữ mang thai, các chuyên gia khuyến cáo, những người đang sốt cao, sốt siêu vi, ra nhiều mồ hôi, cơ thể suy nhược; người già yếu, trẻ nhỏ, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, người đang bị tiêu chảy, sốt xuất huyết; nam giới sau khi uống rượu, bia; người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch… cũng không nên xông hơi vì có thể “phản tác dụng”, làm bệnh trầm trọng hơn.

Trong trường hợp người bệnh bị cảm từ ngày thứ ba trở lên, các triệu chứng không giảm thì cần đến cơ sở y tế hoặc các phòng khám Đông y có uy tín để khám và điều trị bằng các phương pháp khác.

Mai Thùy (Gia Đình và Xã Hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem