Thái tử Đan kỳ công thế nào để thuyết phục Kinh Kha hành thích vua Tần?

Thứ sáu, ngày 14/04/2023 08:30 AM (GMT+7)
Tổ tiên Kinh Kha ở nước Tề, sau dời sang sinh sống ở nước Vệ. Kinh Kha sinh vào khoảng năm 263 TCN.
Bình luận 0

Nhiều sách chép rằng hôm Kinh Kha ra đời, trời đang tạnh ráo bỗng dội lên hàng loạt tiếng sấm rền vang cùng một tia chớp rạch ngang trời. Cha mẹ Kinh Kha thuộc gia đình quý tộc nước Vệ đã sa sút nhưng khi con đến tuổi đi học, họ vẫn gửi gắm Kinh Kha học những thầy giỏi.

Lớn lên, Kinh Kha có tiếng là người chí khí, ông suốt ngày đọc sách hay nghiền ngẫm, biện luận giỏi, biết làm chủ bản thân. Kinh Kha thích kiếm thuật nhưng không có năng khiếu nên lí luận về kiếm thì giỏi còn đánh kiếm thì vào loại xoàng. Sau này cha mẹ mất, thân thích ly tán, phải lưu lạc giang hồ qua nhiều nước.

Thái tử Đan kỳ công thế nào để thuyết phục Kinh Kha hành thích vua Tần? - Ảnh 1.

Lúc bấy giờ, nước Tần mạnh nhất trong 7 nước thời Chiến quốc. Nước Tần thường cử binh tướng sang đánh các nước chiếm thành, cướp đất, giết hại nhiều người, kể cả hàng binh lẫn dân lành.

Vì thế, các nước rất oán thán và lo sợ nước Tần. Quê hương Kinh Kha cũng không thoát cảnh lầm than và cũng như nhiều trai trẻ tuổi đầy hùng tâm, tráng chí lúc đó, họ thường kết giao tìm người cùng chí hướng kết bạn để hòng xoay vần cục diện, giúp nước cứu đời.

Có lần Kinh Kha đến đất Du Thứ của Triệu gặp một kiếm sĩ thượng thặng là Cáp Nhiếp. Kinh Kha luận bàn kiếm thuật với Cáp Nhiếp nhưng vô tình làm Cáp Nhiếp giận. Cáp Nhiếp trừng mắt, Kinh Kha cho là Cáp Nhiếp không hiểu mình nên nhân nhượng đi khỏi vùng đó.

Khi qua biên giới giữa Tề và Triệu, bụng đói, Kinh Kha vào quán trọ gọi đồ nhắm. Chủ quán là Nhiệm Khương tuổi chừng 26 có sức hút mãnh liệt và cặp mắt buồn biết nói. Có duyên phận với nhau, Kinh Kha và nàng nhanh chóng gần gũi.

Kinh Kha rất khâm phục khi biết chính nàng Nhiệm Khương vì cứu 3 người nước Yên mà bị quân Tần giết cả nhà 17 người trong đó có chồng và mất tích cả con trai là bé Triệu Anh mới 7 tuổi (Sau này Kinh Kha mới biết một trong những người nước Yên đó chính là Thái tử Đan nước Yên bị làm con tin ở Tần trốn về).

Nhiệm Khương rất yêu Kinh Kha, hàng ngày phục dịch chu đáo, có lần cao hứng nàng xin hát bài hát “Ngô Dư nước Vệ” cho vui, nhưng Kinh Kha lại thích bài “Thạc nhân” ca tụng nàng Trang Hương thiếp yêu của Vệ trang công.

Nhiệm Khương đồng ý, tiếng hát đầm ấm cất lên: “Tay mềm như cỏ, da trắng như ngà. Cổ như búp măng, răng sáng như ngọc. Mày cong như ngài. Nàng cất tiếng nói, tiếng như suối hát. Nàng nhoẻn miệng cười, hoa hồng nở theo”.

Năm 247 TCN, Tần Doanh Chính được lập làm Tần vương lúc 13 tuổi. Năm 230 TCN chiếm nước Hàn, năm 228 TCN diệt nước Triệu, năm 225 TCN đánh Ngụy, năm 223 TCN diệt Sở.

Các nước Yên, Tề run như chim rẽ. Thái tử Đan nước Yên từ khi trốn khỏi Tần ngày đêm lo lắng. Thái phó của Yên là Cúc Võ cũng bó tay không kế lạ. Ông đề nghị Thái tử tham kiến xử sĩ Điền Quang tiên sinh, người hay đến dạy đánh cờ cho công chúa Di Cát - em gái Thái tử Đan.

Thái thử Đan cho dựng đài Hoàng Kim cầu người hiền đến xưng danh nhưng chỉ chọn được mấy người dũng cảm, khỏe phi thường. Thái tử thu nạp cho huấn luyện cung kiếm để dùng sau này.

Lúc này, Kinh Kha bắt đầu có tiếng trong giới kiếm hiệp, là người tính nết thâm trầm, quảng giao giang hồ trượng nghĩa. Ông đến nước Yên thì kết bạn với Vũ Bình làm nghề bán thịt chó và Cao Tiệm Ly người giỏi đánh đàn trúc và thổi sáo…

Về tướng mạo, ông có dáng thư sinh, trán rộng, thông minh, mũi cao thanh tú nên tuy giao du nhiều vẫn cảm thấy cô đơn, ít người chia sẻ được với các ý tưởng của ông. Toàn bộ khí phách của ông thể hiện qua đôi mắt tinh nhanh, ánh mắt đầy uy vũ, lòng trắng hơi nhiều hơn bình thường.

Mắt ông khi nhìn rất nghiêm, ánh mắt trùm lấy người đó khiến người ta phải nể sợ. Chỉ tiếc là khi nói, về cuối câu, giọng ông nhỏ như hụt hơi, người xưa cho là đoản thọ dễ chết do dao kiếm, hung khí.

Người xưa gọi ông có tướng mạo “thần dũng” khác với Tần Vũ Dương và những người khác chỉ có thần lực. Kinh Kha có “thần dũng”, quảng giao, tuy đánh kiếm không giỏi, nhưng vẫn là một hiệp khách tín nghĩa, với cuộc đời đầy phiêu lưu, mạo hiểm... Phải chăng, chính những yếu tố đó làm nên vẻ lấp lánh, hấp dẫn của Kinh Kha đối với phái đẹp.

Nhiều phụ nữ tài hoa đã đi vào cuộc đời ông. Theo truyền tụng thì trong số các hồng nhan tri kỷ có công chúa Di Cát của nước Yên, nàng Nhiệm Khương nước Vệ, nàng Lý Tương Sư nước Triệu...

Có người cho rằng, người có phúc phận được mang dòng máu Kinh Kha là cô thôn nữ Lý Tương Sư. Sau khi Kinh Kha qua đời, Tương Sư đã có thai với chàng rồi sinh được một bé trai.

Qua giới thiệu, Kinh Kha được gặp Điền Quang tiên sinh. Biết Kinh Kha là trượng phu có thể làm việc lớn nên Điền Quang tiên sinh rất trọng đãi. Đến kỳ Thái tử Đan cùng Điền Quang tiên sinh bàn quốc sự, Điền Quang nói mình đã già xin tiến cử Kinh Kha.

Bấy giờ, Kinh Kha đang rong ruổi tìm cách thỏa chí lớn nên không nỡ ràng buộc với Nhiệm Khương mà đến nước Yên trước. Nhưng ít lâu sau Nhiệm Khương cũng bán lại quán trọ mà tìm đến Yên thị để mong tìm được Kinh Kha.

Lại nói Thái tử Đan dặn Điền Quang là giữa hai người đã bàn chuyện quốc sự chớ tiết lộ với ai. Điền Quang chỉ cười. Sau khi thuyết phục Kinh Kha nhận lời giúp Thái tử Đan, để khích lệ Kinh Kha, Điền Quang nói với Kinh Kha: “Thái tử dặn tôi không tiết lộ quốc sự nay để chứng tỏ điều ấy tôi xin tự vẫn”, dứt lời tự đâm cổ chết. Thái tử Đan gặp Kinh Kha, biết chuyện thương khóc Điền Quang mãi không thôi.

Nhận lời trợ lực cho Thái tử Đan, nhưng Kinh Kha vẫn chưa vào việc. Ông xin nghỉ một thời gian vì lúc này đã gặp lại Nhiệm Khương. Ông muốn gây dựng cho Nhiệm Khương để toàn tâm làm việc lớn.

Ông đưa Nhiệm Khương về một thị trấn xa xôi mua cho nàng một ngôi nhà đầy đủ vật dụng và một cửa hàng nhỏ, rồi mới lẳng lặng rời xa nàng.

Trở lại kinh đô nước Yên, Kinh Kha được Thái tử Đan xây một tòa dinh thự nằm trong Ly cung nước Yên gọi là Kinh quán để ở. Thái tử Đan đãi Kinh Kha rất hậu, phong cho chức quan thượng khanh nước Yên, cử nữ tỳ yêu dấu của công chúa Di Cát là Quý Tử và nữ tỳ Hạ Tử của Thái tử phu nhân đến phục dịch.

Có lần Kinh Kha định nhặt viên ngói ném trêu con rùa của ao Đông cung, Thái tử Đan vội đưa ngay một thỏi vàng cho Kinh Kha ném. Có lần nghe nói Kinh Kha thích ăn gan ngựa Thái tử Đan sai giết cả ngựa quý của mình để lấy gan đãi Kinh Kha.

Vốn bản tính trọng tình nghĩa thực bụng nên nhiều lần Kinh Kha từ chối những lễ lạt, yến tiệc, quà tặng thái quá của Thái tử. Kinh Kha còn trả lại hai người nữ tỳ yêu dấu của Thái tử phu nhân và công chúa khiến công chúa từ chỗ chưa hiểu Kinh Kha đã dần mến phục.

Thời gian đó có hai phản tướng của Tần là Phàn Ô Kỳ và Thành Phong trốn đến nước Yên đều được Thái tử thu dụng. Đặc biệt là Phàn Ô Kỳ người mà vua Tần treo giải một ngàn lạng vàng cho ai lấy được đầu.

Là người con gái xinh đẹp, giỏi đàn cầm, kiêu kỳ nhưng khả ái, nhạy cảm, công chúa Di Cát khi đã hiểu khí phách, tài năng và sứ mệnh của Kinh Kha. Nàng đem lòng yêu thương Kinh Kha. Mặc dù, Thái tử Đan và phu nhân phản đối nhưng mối tình Kinh Kha - Di Cát cứ ngày càng phát triển.

Sứ mệnh của Kinh Kha đã rõ ràng: Chàng phải đi sang Tần làm thích khách ám sát Tần Vương để chặn bước xâm lược của bạo chúa. Nhờ mời được Dư phu nhân là người đúc kiếm giỏi nhất nước Triệu đến, quyết tâm hành thích vua Tần càng được củng cố.

Thay thế các nữ tỳ xinh đẹp Quý Tử, Hạ Tử là nàng Chiêu Quy được cử đến Kinh quán. Nàng cũng thầm yêu Kinh Kha, nhưng ông chỉ coi như em gái, hứa sẽ tìm nơi tin cậy để tác thành cho Chiêu Quy. Thế rồi Kinh Kha lựa lời đưa nàng sang hầu ở phủ của Thành Phong, môn khách tài giỏi của Thái tử Đan.

Ngoài việc ngày đêm suy ngẫm vạch kế hoạch chi tiết giết vua Tần, Kinh Kha cũng nghĩ nhiều về công chúa Di Cát. Có ngày không thấy công chúa đến chơi chàng bứt một cành đào, thả hết các cánh hoa xuống dòng suối trong Ly cung. Tuy nhiên, có lúc chàng cố nén lòng che giấu tình cảm trước công chúa.

Công chúa tâm sự và hỏi ý kiến Dư phu nhân nên làm gì. Dư phu nhân nói: “Khi người ta yêu vô cùng, có thể tỏ ra kính trọng và xa lánh, ta không khuyên gì, bởi vì công chúa là người trong trắng như thiên thần, chí nghĩa, chí tình nên công chúa cứ làm theo ý mình là hơn”.

Để đúc kiếm độc, Thái tử Đan cử Thành Phong và dũng sĩ trong Ly cung đi bắt đủ 10 con sói đực, 10 con sói cái mổ lấy ruột già đốt cả phân tán nhỏ với các chất kịch độc như lá ngón, thạch tín... Sau đó, Dư phu nhân luyện mấy tháng mới xong một thanh kiếm độc nhỏ như chủy thủ bề mặt lấp lánh như vẩy rồng để gần nam châm không bị hút, chỉ cần làm rách da thịt chảy máu dù nhỏ li ti là chết ngay.

Vì bài thuốc độc đúc kiếm sư phụ đã bắt Dư phu nhân không được dùng nhưng để làm việc lớn bà phải phá bỏ lời thề trước sư môn, nay đúc kiếm xong liền tự tử. Thái tử Đan, Kinh Kha, công chúa Di Cát hết sức đau lòng.

Kinh Kha nói: “Trước đây tôi có nói với Thái tử thượng sách là hợp trong các nước đánh Tần, trung sách thì đợi Tần có biến sự sẽ phạt Tần, hạ sách là hành thích vua Tần nhưng nay hạ sách cũng đã biến thành thượng sách vì bao người đã hy sinh và chẳng còn thời gian nhiều để thực hiện mọi việc”.


PV (Theo Giáo dục và Thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem