Thâm canh tốt rừng cây keo lai, nhà nông thu nhập cao gấp đôi

Phan Việt Toàn Thứ tư, ngày 04/07/2018 11:55 AM (GMT+7)
Tìm ra giải pháp, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây keo lai theo hướng bền vững, sản xuất gỗ lớn thích ứng với biển đổi khí hậu cho các tỉnh Bắc Trung Bộ - đó là nội dung của Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp vừa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Tổng cục Lâm nghiệp, Sở NNPTNT Quảng Trị tổ chức.
Bình luận 0

Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây keo lai tại vùng Bắc Trung Bộ” thu hút sự quan tâm của hơn 220 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông và nông dân của 5 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Ứng dụng kỹ thuật là cần thiết

img

Các đại biểu tham quan thực tế mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai tại xã Cam Thủy.  Ảnh: VIỆT TOÀN

Các ý kiến tại diễn đàn thống nhất: Về mặt kinh tế, gỗ rừng trồng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sẽ có chất lượng cao hơn, đáp ứng được nhu cầu gỗ xẻ đưa vào kinh doanh hàng mộc dân dụng, thay thế dần gỗ rừng tự nhiên; Về mặt xã hội: Tạo được tâm lý tin tưởng của bà con nông dân trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào kinh doanh rừng trồng cây keo lai...

Trong những năm qua, nhờ hưởng lợi từ các chương trình, dự án đầu tư như 327, 661, Quyết định 147 của Chính phủ và các dự án đầu tư nước ngoài, phong trào trồng rừng kinh tế (chủ yếu là keo lai và keo lá tràm) tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã phát triển khá nhanh.

Đến nay, keo lai đã trở thành loài cây trồng rừng chủ lực của vùng, đạt gần 112.000ha. Một số tỉnh  như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có diện tích trồng keo lai chiếm 70% diện tích rừng trồng.

Ưu điểm của cây keo lai là sinh trưởng nhanh về đường kính, chiều cao và hình khối, thân cây thẳng, cành nhánh nhỏ, sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện lập địa và các loại đất khác nhau. Hiện nay người trồng rừng cây keo lai có thể thu nhập gấp đôi trước đây, bình quân 50-60 triệu đồng/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 70 - 80 triệu đồng/ha sau chu kỳ 6-7 năm trồng.

Ngoài giá trị về mặt kinh tế cây keo còn có giá trị về mặt môi trường như khả năng cải tạo và chống xói mòn đất. Keo lai được đưa vào trồng khảo nghiệm ở vùng Bắc Trung Bộ vào khoảng năm 1996, tuy  nhiên sau hơn 20 năm gây trồng và phát triển, đến nay trồng rừng keo lai vẫn biểu hiện nhiều hạn chế, đó cũng là thách thức lớn đối với trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn, đặc biệt là trong phương pháp trồng rừng thâm canh. Vì vậy, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây keo lai là rất cần thiết.

Nông dân cần thay đổi thói quen

Các đại biểu đã tham quan thực tế mô hình “Trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ” tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Đây là mô hình được triển khai năm 2014, trên diện tích 5 ha. Hiện nay mô hình đang bước vào giai đoạn tỉa thưa. Trong quá trình tham quan tại thực địa, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây keo lai.

Tại diễn đàn, trong phần trao đổi, các chuyên gia và ban cố vấn đã nhận và trả lời hơn 40 câu hỏi của bà con nông dân. Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào các vấn đề chính như: Phương pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây keo lai theo hướng bền vững, sản xuất gỗ lớn; các kỹ thuật cần áp dụng; các vấn đề về thể chế và vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác quản lý trong trồng rừng thâm canh,  các chính sách, biện pháp khuyến khích nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho cây keo lai...

Kết luận tại diễn đàn, TS Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây keo lai theo hướng bền vững, sản xuất gỗ lớn ở Quảng Trị và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Ông Khởi đề nghị Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ tập trung nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng Bắc Trung Bộ trong việc phát triển rừng kinh tế nói chung và phát triển rừng keo lai nói riêng. Đặc biệt giới thiệu các giống keo mới đã được công nhận và triển vọng vào sản xuất; giới thiệu một số kỹ thuật lâm sinh quan trọng dễ áp dụng để nông dân làm theo. Đề xuất các vùng, dạng lập địa phù hợp cho từng dạng rừng, để tư vấn cho chính quyền các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất.

Đối với hệ thống khuyến nông, cần tăng cường các hoạt động cho việc phát triển rừng keo lai như: Xây dựng mô hình, tập huấn, tham quan, hội thảo, trong đó việc truyền thông, tham quan, trao đổi kinh nghiệm là vô cùng quan trọng.

Về phía nông dân, TS Khởi khuyến cáo bà con cần mạnh dạn thay đổi thói quen, tập quán không phù hợp trong sản xuất trồng rừng của mình, nhất là thay đổi nguồn giống mới và xử lý thực bì. Nông dân và doanh nghiệp cần nghiên cứu các chính sách của nhà nước như vốn hỗ trợ, vốn vay cho sản xuất và kinh doanh trồng rừng để đề xuất hỗ trợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem