Tham gia BHYT: Người cận nghèo vẫn trông chờ Nhà nước

Thứ hai, ngày 13/05/2013 10:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 8.5, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo sắp được các tỉnh triển khai. Tuy nhiên, trước thực tế người cận nghèo tham gia BHYT thấp, một số tỉnh đã “vượt rào đi trước”.
Bình luận 0

Tỷ lệ tham gia rất thấp

Bà Bùi Thị Đạt - hộ cận nghèo xã Tam Cường, huyện Tam Nông, Phú Thọ cho biết: “Gia đình tôi mới thoát nghèo 3 năm nay, thật sự là cuộc sống vẫn rất khó khăn. Mỗi lần ốm đau, chúng tôi chỉ dám ra trạm xá xã khám rồi mua thuốc uống nhì nhằng.

img
Hầu hết người cận nghèo chỉ khi bị ốm, đau mới thấy giá trị của thẻ BHYT (ảnh minh hoạ).

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện mua thẻ BHYT, phần vì không có tiền, phần vì nghĩ nếu ốm nhẹ, tôi tự mua thuốc uống, còn ốm nặng thì cứ xuống bệnh viện huyện, tỉnh khám thẳng cho nhanh, đợi chuyển BHYT rất lâu, mà nhiều dịch vụ vẫn phải trả tiền. Giờ Nhà nước quan tâm mua BHYT cho, tôi chỉ mong việc sử dụng được thuận tiện, rõ ràng”.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2011 do Bộ LĐTBXH công bố, hiện cả nước có 1.530.295 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ mua thẻ BHYT của người cận nghèo trong cả nước rất thấp, chỉ đạt 35% trong số 6 triệu người cận nghèo, nhiều tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 10%.

“Người cận nghèo đang tham gia BHYT theo kiểu “ốm mới mua”. Quyết định 750 - QĐ/TTg sẽ giúp nhiều người cận nghèo chủ động mua thẻ BHYT, khi có bệnh là được khám BHYT luôn. Như vậy, vừa đảm bảo quyền lợi cho họ mà Quỹ BHYT cũng không bị động” - bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) khẳng định.

Chính sách này, theo Bộ Y tế, xuất phát từ thực tế “nóng” nhiều năm là số người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT quá thấp. Chẳng hạn tại Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Long – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, toàn thành phố có hơn 58.000 người cận nghèo. Chính sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng phí thẻ BHYT, tỉnh hỗ trợ thêm 10% giá trị thẻ.

Như vậy, người cận nghèo chỉ còn bỏ ra 20% (chưa đầy 100.000 đồng) là có thẻ BHYT. Ưu đãi đến vậy mà Cần Thơ cũng chỉ có khoảng hơn 5.000 hộ cận nghèo (chiếm 9%) mua BHYT. “Hầu như chỉ những người bị bệnh nặng mới mua thẻ BHYT. Số tiền BHYT phải chi trả cho họ ngay khi họ mua thẻ cao gấp nhiều lần mệnh giá thẻ mà họ bỏ ra” – ông Long cho biết.

Theo ông Long, trước năm 2012, Quỹ Phát triển y tế đồng bằng sông Cửu Long đã bù tiền mua toàn bộ thẻ BHYT cho các đối tượng cận nghèo. Khi quỹ này rút đi, người cận nghèo vẫn có tâm lý trông chờ vào Nhà nước, chỉ khi bệnh nặng, cần BHYT mới đi mua.

Chung tình trạng như vậy, mặc dù ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% phí mua thẻ và Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ” hỗ trợ thêm 20%, người cận nghèo chỉ phải bỏ thêm 10% (khoảng 50.000 đồng/năm), nhiều đối tượng đã được hỗ trợ đủ 100% nhưng năm 2012 toàn tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ có 53% người cận nghèo mua thẻ (trong tổng số hơn 108.000 người cận nghèo).

Năm 2013, Hưng Yên đã có bước tiến vượt bậc trong việc vận động người cận nghèo tham gia BHYT, tuy đã tăng tới 8,5% so với năm 2012, nhưng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT mới đạt 18,4% (khoảng 8.150 người) trong khi danh sách đã được tỉnh phê duyệt là hơn 44.000 người.

Nhiều tỉnh đã cho không

Đó là thực tế ở nhiều tỉnh chứ không chờ chính sách của Nhà nước. Cụ thể là ở Nam Định, sau khi vận động “rã bọt mép” về lợi ích của thẻ BHYT, tỷ lệ người cận nghèo tham gia cũng chỉ được vài phần trăm, khiến cho tỷ lệ người dân tham gia BHYT bị kéo tụt xuống dưới 40% (xếp thứ 62/63 tỉnh, thành), UBND tỉnh Nam Định đã ra một quyết định gây “sốc”: Hỗ trợ nốt phần còn lại cho người cận nghèo. Số người cận nghèo được hỗ trợ ở tỉnh này là 125.167, mỗi người khoảng 170.000 đồng, kinh phí tỉnh chi ra cũng lên tới vài tỷ đồng.

Hiện nay, chính sách bảo hiểm y tế dành cho người cận nghèo của Nhà nước đã có nhiều ưu đãi. Cụ thể: Nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT, người cận nghèo chỉ phải bỏ ra 30% (khoảng 170.000 đồng) là có thẻ BHYT có giá trị 1 năm. Nếu người thứ hai trong hộ mua lại giảm tiếp 10% so với mức phí của người thứ nhất đóng...

“Quyết định này khiến chúng tôi vui mừng khôn xiết. Vì người cận nghèo là nhóm đối tượng khó lay chuyển, vận động nhất. Tuy họ biết về lợi ích của thẻ BHYT nhưng do thu nhập thấp, việc vận động họ bỏ ra 5-7 trăm nghìn đồng mua thẻ BHYT cho cả nhà không dễ” – ông Vũ Bá Cương – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nam Định cho biết. Với quyết định đó, Nam Định hy vọng năm 2013, tỷ lệ người dân tham gia BHYT sẽ lên mức 60-65%, thoát khỏi vị trí “đội sổ” toàn quốc.

Trước khi có chính sách của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cần Thơ cũng đã đề xuất tỉnh hỗ trợ nốt số tiền còn lại cho người cận nghèo để 100% người cận nghèo có thẻ BHYT. Theo ông Nguyễn Thanh Long, chưa thể thực hiện được ngay quyết định mới của Thủ tướng bởi còn phải phân loại hộ cận nghèo. Chính sách chỉ hỗ trợ 100% giá trị thẻ BHYT cho người vừa thoát nghèo (trong vòng 5 năm) và người cận nghèo ở các huyện nghèo. Việc này còn phải trông chờ Sở LĐTBXH tỉnh lập danh sách.

Còn ở Hà Tĩnh, theo ông Hoàng Văn Minh – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, tỉnh phải đợi UBND xã rà soát, lập danh sách đưa lên Sở LĐTBXH phê duyệt. Hà Tĩnh cũng nằm trong Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ, người cận nghèo được hỗ trợ thêm 20% giá trị thẻ BHYT nên chỉ còn phải đóng hơn 50.000 đồng/thẻ/năm. Nhờ hỗ trợ này, người cận nghèo tham gia BHYT đạt hơn 50%. Với chính sách mới của Chính phủ, tỷ lệ này có thể lên tới 80-90%.

Cần làm tốt khâu bình xét

Quyết định 750 của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo tại các vùng đặc biệt khó khăn được tham gia BHYT, góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tuy nhiên, cái khó hiện nay chính là căn cứ xác định hộ cận nghèo rất mong manh. Nếu không làm tốt khâu bình xét, thì việc thực hiện chính sách mới khó thành công như mong muốn.

Ông Đỗ Mạnh Hùng -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Rất phấn khởi

Gia đình tôi cũng đã lường trước những khó khăn mỗi khi đi viện, nhưng để có một thẻ BHYT sử dụng trong 12 tháng, ngoài số kinh phí được Nhà nước và dự án hỗ trợ, người cận nghèo còn phải đóng trên 113.000 đồng. Dạng cận nghèo như gia đình tôi tiền ăn còn chưa đủ nên chưa nghĩ đến đóng BHYT. Giờ được hỗ trợ 100%, tôi rất phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Đào (xóm Thượng Liên, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh)

Chia sẻ gánh nặng với dân

Nói thật, tôi cũng hiểu nếu mua BHYT thì lỡ khi đau ốm, tiền viện phí, thuốc men... cũng giảm đi rất nhiều. Thế nhưng với hộ cận nghèo như gia đình tui thì lấy đâu ra tiền mà mua. Cho nên thông tin về việc Nhà nước hỗ trợ 100% tiền BHYT cho hộ cận nghèo, không riêng gì bản thân mà hàng ngàn hộ gia đình trong tỉnh rất mừng. Có thể nói sự hỗ trợ này đã chia sẻ gánh nặng cho người dân.

Anh Trần Văn Sinh (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi)

Lê An - Hữu Anh - công xuân (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem