Thám hiểm thế giới “vàng đen”: Theo chân thợ mỏ

Thứ hai, ngày 06/12/2010 18:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dẫu vẫn bị ám ảnh bởi những tai nạn khủng khiếp từng xảy ra trong lịch sử ngành than, thế nhưng công việc của những người thợ lò trong lòng đất đã hấp dẫn tôi gạt bỏ mọi sự sợ hãi để lần đầu tiên đặt chân đến “thế giới vàng đen”.
Bình luận 0

Sơ suất là trả giá

img

Những người thợ tan ca đang trỏ lên mặt đất

Khi biết tôi sẽ có chuyến theo chân những người thợ lò của Công ty cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin thám hiểm lòng đất, một người bạn thân đã đưa cho tôi mẩu báo có thông tin về vụ tai nạn bục túi nước khiến 4 công nhân thương vong tại lò Thượng mức +38 đến -100, vỉa 11, khu Nam, phân xưởng đào lò 2, Công ty Than Dương Huy vào 3 giờ sáng ngày 12-11-2010 vừa qua.

Dù rất cảm ơn lời cảnh báo của người bạn tốt bụng, thế nhưng sức hấp dẫn về một thế giới trong lòng đất vẫn dẫn dắt bước chân tôi về vùng đất mỏ.

Nghỉ ngơi mấy tiếng cho sức khỏe hoàn toàn hồi phục sau một chặng đường dài, anh Khuất Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Than Vàng Danh - trực tiếp cung cấp cho chúng tôi những thông tin cần thiết về công việc khai thác trong hầm lò và tập huấn sử dụng những thiết bị an toàn trong hầm mỏ.

Sau khi kiểm tra sức khỏe của mọi người, anh Thắng lựa chọn ra những người khỏe mạnh nhất để đi vào tận cùng khu vực khai thác than sâu nhất trong lòng đất.

Từ văn phòng của công ty, chiếc Mercedes 12 chỗ đưa chúng tôi vòng vèo qua hơn 20km đường lấm lem bụi than để ra khai trường. Tại đây, chúng tôi được phát 1 bộ quần áo bảo hộ lao động bằng vải thô cứng, 1 đôi tất quấn chân đặc chủng, 1 đôi ủng cao đến đầu gối, 1 mũ bảo hộ, đèn chiếu gắn trên mũ với bình ắc quy đeo ngang hông, 1 bình tự cứu có thể giúp cho 1 người có đủ ôxy trong 60 phút để thoát ra ngoài trong trường hợp xảy ra sự cố.

Trước khi tiến vào lò, chúng tôi còn được phát 1 tấm phiếu nho nhỏ. Tại bàn kiểm tra ở khu vực cửa lò, tấm phiếu nhỏ đó được thu lại để kiểm soát số người ra vào, phòng trường hợp có người gặp nạn trong lò mà không được phát hiện.

Cũng tại đây, các cán bộ kỹ thuật của công ty kiểm tra rất kỹ túi quần, túi áo của chúng tôi để xem có đem những đồ dùng có thể gây cháy như bật lửa, diêm hay các vật liệu cháy nổ hay không. Các dụng cụ tác nghiệp của chúng tôi như cũng bị "soi" rất kỹ.

Theo nguyên tắc thì những thiết bị có sử dụng pin như điện thoại, máy nghe nhạc, máy quay, máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm… đều phải để lại bên ngoài. Thế nhưng vì chúng tôi là những người "thợ lò đặc biệt" nên được ưu tiên mang theo máy ảnh với điều kiện không được bật flash và phải tuân thủ chặt chẽ điều lệnh của người dẫn đường. Câu nói mà chúng tôi phải ghi nhớ nằm lòng trước khi vào lò là "một sơ suất nhỏ có khi phải trả giá rất đắt".

Bóng tối và ẩm ướt

Từ cửa lò giếng phụ mức +110 của phân xưởng khai thác 7, chúng tôi bước những bước chân đầu tiên của cuộc hành trình đi vào lòng đất. Theo độ dốc xuống của những bậc thang, bầu trời trong xanh bên ngoài dần thu nhỏ lại và khuất hẳn khi xe goòng chở than đầu tiên xuất hiện trước mắt chúng tôi.

Thấy chúng tôi cứ lo lắng nhìn lên vòm hầm được láng xi măng, anh chàng thợ lò có khuôn mặt xương xương đi cạnh cười hiền lành: "Anh đừng sợ. Sử dụng vì sắt neo kiểu này an toàn hơn rất nhiều so với sử dụng vì chống truyền thống. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc trong hầm lò thì chẳng có chuyện gì xảy ra đâu".

Tôi cũng gượng gạo cười và không ngớt cầu trời khấn Phật cho mọi chuyện được diễn ra tốt đẹp như lời anh chàng thợ lò nói.

Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều nhóm thợ nối nhau đi bộ ra phía cửa lò. Thỉnh thoảng lại có chiếc song loan - một loại tàu điện sử dụng cần nhiệt và ắc quy - chở thợ từ các vị trí xa trở về. Người dẫn đường của chúng tôi cho biết đây đang là giờ giao ca nên các công nhân hết ca bàn giao lại công việc dang dở rồi trở lên mặt đất.

Trong lòng lò tối om, chỉ có ánh sáng trắng của những chiếc đèn thợ lò nhấp nhô theo bóng người đi lại. Càng vào sâu, không khí trong lò càng ẩm ướt. Nước từ trên nóc hầm cứ rỏ tí tách xuống mũ bảo hộ của chúng tôi. Nước đọng dưới đất trộn với than vụn thành một loại bùn đen nhão nhoét. Bóng tối, hơi nước đặc quánh như sương mù khiến cho không khí ngày càng ngột ngạt.

Để tránh trượt chân vì bùn trơn hay sa chân vào những máng cống bị vỡ nắp, tôi cứ bám theo đường ray xe goòng. Đi được khoảng mấy trăm mét thì anh Lâm Hồng Quang - cán bộ Phòng kỹ thuật - khai thác, Công ty cổ phần Than Vàng Danh cảnh báo: "Chuẩn bị qua cửa gió số 1. Mọi người đứng vững nhé".

Tôi chưa kịp hiểu gì thì một cánh cửa sắt lớn ở phía trước đã được đẩy ra. Vừa bước chân qua thì một luồng gió mạnh như bão đẩy dạt tôi sang một bên. May là đã được cảnh báo trước nên tôi nhanh chóng lấy lại thăng bằng. Cùng với luồng gió mạnh mẽ là tiếng ù ù rền vang như tiếng cánh quạt của một chiếc trực thăng đang đỗ ngay bên cạnh. Cứ như là bão trong lòng đất.

Thợ lò chính quy phải đào tạo bài bản tối thiểu 12 tháng và tập huấn nhiều lần tại công trường. Thế nhưng chúng tôi chỉ ngồi nghe hướng dẫn một số điều cơ bản về an toàn trong chưa đầy 30 phút.

Kỳ 2: Thành phố trong lòng đất

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem