Thảm kịch trong vụ án oan khủng khiếp nhất lịch sử Anh

Huyền Anh (Theo BBC) Thứ tư, ngày 22/02/2017 03:55 AM (GMT+7)
Ngày 9/3/1950, Timothy Evans đã bị treo cổ ở nhà tù Pentomnville, cho một tội ác chưa rõ ràng có phải do anh thực hiện hay không.
Bình luận 0

Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống. Mảng tối về sự vô trách nhiệm với mạng sống con người của những người nắm quyền sinh sát sẽ phần nào được hé lộ qua loạt bài “Những vụ án oan làm chấn động lịch sử”.

img

Timothy Evans chụp ảnh cùng vợ con (ở giữa) và chị gái

Lịch sử ngành tư pháp thế giới từng ghi nhận không ít vụ oan sai gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm thậm chí cả mạng sống của người dân. Nhưng không phải nó lúc nào cũng kết thúc trong bi thảm và ám ảnh như vụ án xứ Wales năm 1950, cũng từ đó làm dấy lên phong trào chống án tử hình ở Anh.

Timothy Evans sinh ngày 20/11/1924 tại Merthyr Tydfil, phía Nam xứ Wales và phải trải qua một thời thơ ấu không mấy dễ dàng khi người cha bỏ lại gia đình để theo người đàn bà khác trước lúc Timothy được sinh ra. Mẹ anh tái hôn vào năm 1929, Timothy có một người chị tên là Eileen và cô em gái Maureen.

Cậu bé Timothy có chỉ số IQ chỉ đạt 70 – tức là ở ngưỡng kém phát triển về trí tuệ, hơn nữa lại là nạn nhân của căn bệnh lao xương khớp khiến chân phải của anh bị tật và không thể chữa lành. Như một hệ quả tất yếu, Timothy Evans bỏ học từ sớm và  hầu như không hề biết đọc biết viết gì ngoài cái tên của mình.

Khi gia đình chuyển đến London, Timothy trở thành thợ sơn. Năm 1937, anh quay về Merthyr Tydfil, làm việc tại các mỏ than xung quanh thị trấn, nhưng công việc này cũng trở nên quá khó khăn vì cái chân phải bị tật của mình.

Vào năm 1946, anh lại về sống ở London và 1 năm sau kết hôn với Beryl Thorley vào ngày 20/9/1947, sau một tình yêu sét đánh khi họ gặp nhau trong bữa tiệc của người bạn. Kết hôn xong, cặp vợ chồng trẻ chuyển tới căn hộ trên cùng của tòa nhà Rillington ở Notting Hill.

Vài tháng sau, Beryl mang thai, bé Geraldine Evans được sinh ra vào ngày 10/10/1948. Nhưng cũng từ đây, những rạt nứt bắt đầu xuất hiện trong mối quan hệ giữa 2 người. Các cuộc tranh cãi và thậm chí có cả bạo lực đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Trong khi Timothy chán nản với người vợ chỉ suốt ngày ngồi nhà và yêu cầu tiền bạc mà không chăm chút cho nhà cửa thì Beryl thì lại thất vọng khi Timothy không thể cho cô một cuộc sống đầy đủ như khi mới gặp anh đã hứa hẹn, đã thế lại còn nghiện rượu.

Cuối năm 1949, Beryl thông báo rằng cô đang mang thai đứa con thứ hai nhưng tình hình tài chính eo hẹp nên cô sẽ phá thai. Thời đó, đây là một hành vi bất hợp pháp nhưng cô không có lựa chọn nào khác. Timothy không đồng ý và giữa họ lại xảy ra cãi cọ lớn.

Ngày 30/11/1949, Timothy thông báo với cảnh sát Merthyr Tydfil rằng vợ và con gái mình đã mất tích. Ngay lập tức cảnh sát thẩm vấn anh. Ban đầu, Timothy khai nhận vợ anh đã chết sau khi anh đưa cho cô ấy 1 hỗn dược phá thai. Thi thể Beryl đã bị ném xuống một cái cống bên ngoài ngôi nhà.

Tuy nhiên, dựa vào lời khai này, cảnh sát không thể tìm thấy xác Beryl.  Lúc này, John Christie – một người hàng xóm ở tầng trệt bên dưới tòa nhà tiết lộ rằng Beryl chết khi phá thai và cô con gái Geraldine Evans đã được đưa cho người khác chăm sóc.

Trong khi mọi việc còn chưa ngã ngũ thì một cảnh sát đã tìm thấy xác của Beryl bọc trong một miếng vải ở phía sau tòa nhà cô ở, bên cạnh là thi thể của bé Geraldine. Cả hai đã bị siết cổ đến chết.

Khi được hỏi có phải anh là người đã giết vợ con mình, trong cơn hoảng loạn và căng thẳng cực độ, Timothy trả lời rằng “Đúng!”. Tuy nhiên, trong phiên tòa, anh lại phủ nhận, kêu oan và nói rằng cảnh sát đã dùng bạo lực với mình nhưng tất cả không có ý nghĩa. Phiên tòa diễn ra nhanh chóng trong vòng 40 phút mà không hề có nhân chứng hay bằng chứng pháp y nào chứng minh Timothy Evans giết vợ con mình. Người ta cũng bỏ qua luôn việc anh vốn là người có chỉ số IQ ở ngưỡng kém phát triển về trí tuệ và mắc chứng hoang tưởng.

Ngày 9/3/1950, Timothy Evans đã bị treo cổ ở nhà tù Pentomnville, cho một tội ác chưa rõ ràng có phải do anh thực hiện hay không.

Mọi việc rồi cũng lắng xuống nhưng hằng năm vẫn có những phụ nữ trong tòa nhà nơi Timothy Evans sống bị mất tích một cách bí ẩn.  Ba năm sau, cảnh sát phát hiện ra một số thi thể tại tòa nhà Rillington, tất cả đều là phụ nữ và sau khi điều tra, cảnh sát kết luận họ đều là nạn nhân của John Christie. Ít nhất sáu thi thể được tìm dưới sàn nhà và trong khu giặt giũ.

Và cảnh sát, trong cuộc tìm kiếm 3 năm về trước, đã hoàn toàn không để ý đến những phần thi thể nằm ngẫu nhiên xung quanh ngôi nhà mà lẽ ra đó có thể là bằng chứng cho sự vô tội của Timothy Evans.

John Christie lập tức bị bắt giữ. Trong quá trình thẩm vấn, hắn thừa nhận đã giết chết tất cả nạn nhân rồi quan hệ. Với tội ác man rợ của mình, y bị treo cổ vào ngày 15/7/1953.

Tháng 10/1966, một phiên tòa phúc thẩm đã được mở ra và thẩm phán đã đọc quyết định của Hoàng gia Anh rút lại bản án với Timothy Evans cũng như tuyên bố anh vô tội. Cũng từ sau vụ án Timothy Evans, làn sóng phản đối và yêu cầu bãi bỏ án tử hình ở Anh lại càng dâng cao.

---------------------------------------------

Gần 70 năm đã trôi qua nhưng Sakae Menda vẫn không thể quên được những ký ức kinh hoàng mà ông từng phải chịu đựng và thấy rằng mình quá may mắn khi vẫn còn sống sót. “Chờ đợi cái chết đôi khi còn tồi tệ hơn cả chết”, tù nhân đầu tiên của Nhật Bản bị kết án tử hình và được minh oan đã phải thốt lên như vậy.

Hành trình tìm lại công lý của Sakae Menda diễn ra như thế nào? Mời độc giả đón đọc Án oan của “tử tù” đi vào lịch sử Nhật: Khi sống không bằng chết!​ vào 4h ngày 23/2/2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem