Bố của bà Lan đã được Sư đoàn 9 thuộc Quân đoàn 4 tạo điều kiện giúp đỡ kiểm tra lại hồ sơ gốc lưu tại Sư đoàn và cấp giấy xác nhận bị thương đã được giám định thương tật cùng trích lục danh sách bị thương tại Sư đoàn.
Khi bố bà Lan về nơi cư trú làm hồ sơ công nhận thương binh và hưởng chế độ thì được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hướng dẫn, xác nhận thương tật và trích lục danh sách bị thương phải được xác nhận bởi cấp quân đoàn theo hướng dẫn tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14 Mục 3 Chương 2 Thông tư 202/2013/TT-BQP ngày 7.11.2013, cụ thể như sau:
"Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên, nhưng đã được xếp hạng thương tật và có Bản trích lục hồ sơ thương tật được lập từ danh sách hoặc hồ sơ thương binh đang quản lý tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị hoặc Cục Người có công/Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội".
Bà Lan hỏi, trường hợp của bố bà có cần xác nhận từ đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng là Quân đoàn 4 hay không, hay xác nhận từ Sư đoàn 9 là đủ điều kiện?
Về vấn đề này, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trả lời như sau:
Đối với thương binh bị thất lạc hồ sơ vì lý do khách quan được giải quyết theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7.11.2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận; tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.
Trường hợp bố của bà Lê Lan, đề nghị bà liên hệ với Cục Chính trị, Quân đoàn 4 để được xem xét, trích lục hồ sơ thương tật (căn cứ vào danh sách lưu trữ tại Sư đoàn 9) theo quy định hiện hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.