Một ấn bản của tạp chí biếm họa nổi tiếng Charlie Hebdo
Ngay từ đêm 7.1, vài giờ sau khi những kẻ khủng bố hô khẩu hiệu ca ngợi "Thánh Allah vĩ đại" rồi xả súng sát hại 12 người tại trụ sở báo Charlie Hebdo ở Paris, tại thành phố Le Mans, miền tây nước Pháp xảy ra vụ ném ba quả lựu đạn và nổ súng vào một đền thờ Hồi giáo tại một khu phố bình dân nhưng không có thương vong được thông báo.
Trong khi đó, tại thành phố Port-La-Nouvelle (miền nam nước Pháp), vào lúc tối, hai phát súng bắn về phía một phòng cầu nguyện của người Hồi giáo tại một nhà nguyện ở địa phương. May mắn thời điểm xảy ra vụ tấn công không có ai ở trong phòng cầu nguyện.
Đến sáng sớm hôm 8.1, một vụ nổ có nguồn gốc tội phạm cũng xảy ra ở phía trước của một nhà hàng bán thịt nướng kiểu Ả Rập gần một đền thờ Hồi giáo ở thành phố Villefranche-sur-Saône, miền Trung nước Pháp.
Hiện chưa rõ động cơ của các vụ tấn công kể trên và cảnh sát vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Các nhà điều tra tại hiện trường vụ ném lựu đạn vào đền thờ Hồi giáo ở gần thành phố Le Mans
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các sự cố kể trên rất có thể là hành vi trả đũa cho vụ thảm sát tại tạp chí biếm họa Charlie Hebdo ở Paris, được ghi nhận là đẫm máu nhất ở Pháp trong vòng 50 năm qua.
Các sự cố trên làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bạo động bùng lên nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo, không chỉ tại Pháp, mà ở cả nhiều quốc gia châu Âu khác.
Nhiều người đổ xuống đường thắp nến và mang khẩu hiệu "Tôi là Charlie" để tượng niệm các nạn nhân vụ thảm sát tại tạp chí biếm họa nổi tiếng Charlie Hebdo
Ông Marc Pierini, cựu Đại sứ Pháp nhấn mạnh: "Điều đáng lo ngại là vụ thảm sát ngay tại trung tâm Paris sẽ càng kích động tâm lý bài ngoại và bài Hồi giáo trong bối cảnh các hành vi tàn ác dã man của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông đang gây phẫn uất trong dư luận phương Tây".
Đặc biệt, nỗi quan ngại lớn nhất vẫn là tại Pháp - nhà của một cộng đồng Hồi giáo lớn nhất nhì châu Âu, trong khi chính phủ Paris lại rất tích cực trong cuộc chiến chống lại lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria cũng như các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi.
Ngoài ra, căng thẳng cũng sẽ trầm trọng hơn tại Đức, nơi cũng có cộng đồng Hồi giáo đông đảo – chủ yếu là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ thảm sát tại Paris được cho là sẽ thêm "dầu vào lửa" cho phong trào bài Hồi giáo tại đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.