Nhiều năm qua, chính quyền xã đã chủ động giao đất rừng ở nơi có đường biên cột mốc đi qua cho các hộ sản xuất. Từ đó, tăng thêm ý thức gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của người dân.
Nhân dân 2 bản Ka Tiêng và Avia mua bán, trao đổi nông sản. Ảnh: San Nguyễn
Bên cạnh đó, mô hình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới đã góp phần giúp an ninh vùng biên vững vàng như chính thế trận lòng dân. Bản Ka Tiêng (xã Hướng Việt) và bản Avia (cụm Ra Cồ, huyện Sê Phôn) vốn chỉ cách nhau vài quả đồi. Nhiều hộ dân ở hai bản có quan hệ dòng tộc lâu đời với nhau. Thế nên, việc qua lại thăm thân với nhau thông thường như “cơm ăn, nước uống hàng ngày”. Do đó, khái niệm “biên giới” vẫn chưa ăn sâu trong tiềm thức bà con.
Theo ông Hồ Văn Liếp - Chủ tịch HĐND xã Hướng Việt, kết nghĩa “bản - bản” là sự cụ thể hoá của việc bảo vệ biên giới hết sức sinh động ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân hai bên biên giới. Thông qua kết nghĩa, nhân dân, lực lượng quản lý hai bên thực sự hữu nghị, hiểu biết, đoàn kết, chân thành, gắn bó với nhau, cùng nhau bảo vệ biên giới, cột mốc, cùng nhau phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, điều này còn giúp lực lượng quản lý hai bên biên giới tin cậy nhau hơn, kịp thời thông tin trao đổi cùng nhau giải quyết tốt những tình hình có liên quan đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.
Các hộ dân kết nghĩa cũng đã giúp nhau bằng nhiều việc làm thiết thực như: Xã Hướng Việt đã hỗ trợ cho nhân dân bản Avia 2.500 cây giống ba lời cắt; cử cán bộ sang hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông sản phẩm trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.