Tháng 3, thả muỗi Wolbachia diệt muỗi sốt xuất huyết

Thứ hai, ngày 15/01/2018 16:32 PM (GMT+7)
Bộ Y tế vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch thả thí điểm muỗi mang Wolbachia nhằm phòng bệnh SXH (SXH) Dengue của Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết. Đây là hoạt động nằm trong Dự án hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam, do Bộ Y tế chủ trì.
Bình luận 0

Bộ Y tế chỉ các dấu hiệu bệnh nhân sốt xuất huyết phải đến viện ngay lập tức

Theo phương án vừa được Bộ Y tế phê duyệt, trong năm nay sẽ thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (các thôn Lương Sơn 1-2-3, Văn Đăng 1-2-3 và Võ Tánh 1-2). Thời gian thả muỗi dự kiến bắt đầu từ tháng 3/2018 và kéo dài trong 12-18 tuần. Dự án đã lập bản đồ phân chia trên 200 ô thả muỗi trong khu vực, mỗi ô có kích thước 50mx50m (diện tích 2.500m2). Mỗi tuần dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô như vậy, tương ứng với mức thả trung bình là 1 con muỗi/25m2/tuần.

Việc thả muỗi Wolbachia chỉ được tiến hành sau khi có được sự đồng thuận cao của cộng đồng (từ 80% trở lên). Vì thế, trước khi tiến hành thả muỗi, các chuyên gia dự án sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông và tham vấn cộng đồng. Sau đó sẽ khảo sát về mức độ nhận thức của người dân về phương pháp này và lấy phiếu đồng thuận ở 370 gia đình chọn ngẫu nhiên trong khu vực...

Trước đó, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cùng các nhà khoa học Australia nhân nuôi thành công dòng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia. Muỗi được bắt từ đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa. Muỗi Wolbachia đã được thả tại các hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên hai đợt, vào tháng 4-9/2013 và tháng 5-11/2014.Kết quả giám sát dịch tễ các năm gần đây cho thấy trong khi số ca mắc SXH ở TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đều ở mức rất cao, thì riêng tại đảo Trí Nguyên từ khi kết thúc thả muỗi Wolbachia năm 2014 đến nay chưa xảy ra bất cứ ổ dịch SXH tập trung nào. Tháng 8/2016, kết quả nghiên cứu thí điểm ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên đã được Bộ Y tế nghiệm thu về tính an toàn, khả năng ức chế virus Dengue.

Muỗi vằn mang Wolbachia mà Dự án sử dụng để thả ở thực địa là muỗi có nguồn gốc địa phương, có vi khuẩn Wolbachia nhờ quá trình lai nhiều thế hệ muỗi đực địa phương với một số muỗi cái mang Wolbachia ban đầu. Chúng có các đặc điểm hình thái và thói quen sinh dưỡng giống như muỗi vằn tự nhiên (muỗi cái tìm hút máu người để có chất dinh dưỡng cần thiết cho trứng của chúng, muỗi đực chỉ ăn mật hoa/nước trái cây).

Nếu nhìn bằng mắt thường thì chúng ta không thể biết được con muỗi nào có hay không có Wolbachia (điều này chỉ xác định được bằng các xét nghiệm kỹ thuật cao). Phương pháp Wolbachia có thể áp dụng đồng thời với các biện pháp khác nhằm phòng bệnh SXH và Zika.

Các chuyên gia y tế cho hay muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gen và không liên quan đến công nghệ biến đổi gen vì trong phương pháp Wolbachia không có bất cứ sự can thiệp nào vào hệ gen của muỗi.

THÁI HÀ (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem