Quyết định sự sống còn của khu kinh tế Vũng ÁngÔng Hồ Anh Tuấn- Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, Khu kinh tế Vũng Áng rộng đến gần 23 ngàn ha, với 5 khu chức năng chính là cảng biển và dịch vụ hậu cảng; công nghiệp nặng luyện cán thép; đô thị; du lịch-dịch vụ; mậu dịch tự do. Trong tương lai 20 năm tới khu kinh tế Vũng Áng sẽ là một thành phố công nghiệp, thương mại.
Đến thời điểm này có trên 300 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đã có 86 doanh nghiệp có dự án đầu tư (38 dự án ngoài nước) với tổng mức đầu tư 16 tỷ USD. Một số dự án lớn trọng điểm quốc gia đã và đang triển khai tích cực như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Dự án khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa, Tổng kho Khí hóa lỏng Bắc Trung Bộ, Tổng kho Xăng dầu Vũng Áng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Mỗi ngày ở đây sẽ cần tới 1,5 triệu m3 nước.
Nhưng hiện tại, vùng Nam Kỳ Anh này hồ đập không đủ nước cung cấp. Vì vậy cung cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng hết sức quan trọng, đảm bảo sự sống còn và sự phát triển của cả khu kinh tế trọng điểm của Hà Tĩnh. Riêng Dự án khu liên hợp Gang thép Formosa với nhu cầu dùng nước đến tháng 6.2014 phải có 174.000m3/ngày đêm, đến năm 2016 là 320.000 m3/ngày đêm, đến năm 2025 là 662.000m3/ngày đêm. Song nguồn nước hiện có từ hồ Kim Sơn, hồ Sông Trí mới chỉ đáp ứng được 116.000m3/ngày đêm. Như vậy còn thiếu 890.000 m3/ngày đêm. Để bù đắp lượng thiếu hụt trầm trọng này cần thiết phải đầu tư xây dựng hệ thống nguồn cung cấp nước lớn, ổn định lâu dài.
Đổ bê tông đập dâng Lạc Tiến.
Trước sự cấp thiết đó Chính phủ và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đầu tư vào đây một siêu dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng đồng thời đảm bảo tưới tiêu cho 1.335ha đất sản xuất nông nghiệp, 300ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, giảm lũ cho khu vực hạ du, ngọt hóa sông Quyền và cung cấp nước sạch cho hàng chục vạn người thuộc 12 xã phụ cận. Công ty CP Đầu tư & Phát triển Vũng Áng là đơn vị thành viên của Tập đoàn Hoành Sơn, được chọn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đến hơn 4.415 tỷ đồng, bao gồm 3 tiểu dự án là nhà máy nước; hệ thống thủy lợi Rào Trổ (công trình hồ, đập dâng Lạc Tiến, tuynel và kênh dẫn), cống ngăn mặn, giữ ngọt thoát lũ Kỳ Hà.
Khơi nguồn cho sự sống Theo chỉ dẫn của anh Hà- Trưởng phòng Kế hoạch thuộc Công ty CP Đầu tư & Phát triển Vũng Áng chúng tôi thực hiện chuyến vượt rừng lên miền Tây Kỳ Anh vào giữa những ngày nắng lửa tháng 5 lịch sử. Sau gần 1 giờ đồng hồ vượt đèo dốc, núi non hiểm trở chúng tôi đã đến được khu vực lòng hồ Rào Trổ. Nơi đây, công trình cấp nước lớn bậc nhất miền Trung đang dần hình thành.
Đứng từ nhà điều hành trải rộng tầm mắt là đại công trường rộng lớn, bề thế, ngay dưới khu vực thi công thân đập hàng trăm chiếc xe tải, máy xúc đang cần mẫn làm việc như những đàn kiến tha mồi về tổ. Trò chuyện với chúng tôi kỹ sư Lê Thanh Hoài (quê ở Đức Thọ) cho hay: Thời điểm này hơn 200 công nhân đang thi công theo lịch làm việc 2 ca, sáng và chiều tập trung đào móng tràn, đắp thân đập bờ phải và trái.
Do mấy hôm vừa rồi trời mưa nên công việc gián đoạn. Tới đây, để kịp tiến độ, công nhân sẽ phải tăng ca. Cũng theo kỹ sư Hoài, hồ chứa nước Rào Trổ (nằm trên địa phận xã Kỳ Thượng) có dung tích 162,4 triệu m3 (gồm đập đất, cổng lấy nước, tràn xả lũ, tràn sự cố) khi ngăn đập sông Rào Trổ tích nước lên cốt 37m…
Đến thời điểm này, tại Khu công nghiệp Vũng Áng đã có trên 300 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đã có 86 doanh nghiệp có dự án đầu tư (38 dự án ngoài nước) với tổng mức đầu tư 16 tỷ USD.
|
Rời khu vực lòng hồ Rào Trổ chúng tôi xuôi về đập dâng Lạc Tiến (tại xã Kỳ Lạc) mặt trời đã đứng bóng nhưng hàng trăm công nhân vẫn đang miệt mài hoàn thiện mẻ bê tông kè thân đập. Khu vực đập dâng có độ cao 43,5m với 5 cửa van đóng mở, điều tiết nước qua hệ thống kênh dẫn và tuynel (hầm), đảm bảo nhu cầu nước cho toàn bộ Khu kinh tế Vũng Áng với công suất trên 1 triệu m3/ngày đêm và trả lại cho hạ lưu Quảng Bình 2,1 m3/giây.
Đến nay phần cửa van đã hoàn thành 80% khối lượng chỉ còn phần xây dựng bãi xã tràn. Riêng hệ thống hầm tuynel có chiều dài 2km đang được các công nhân thi công hết công suất. Với tổng khối lượng đất đá phải đưa ra khỏi lòng hầm trên 30.000m3, dự kiến đầu quý I/2015 sẽ thông hầm đưa vào sử dụng.
Dự án có 5 đơn vị tư vấn thiết kế, 5 đơn vị tư vấn giám sát, 8 nhà thầu, liên doanh nhà thầu chính. Đào đất, đá các loại: 2.125.595m3, đắp đất 3.399.060m3, đổ bê tông 87.306m3, sử dụng 67.023m3 đá xây, lát và 3.530.835 kg thép các loại. Cung cấp nước ngọt cho Khu kinh tế Vũng Áng với công suất trên 1 triệu m3 /ngày, đêm, cấp nước tưới ổn định 1.335ha sản xuất nông nghiệp, 300ha nuôi trồng thủy sản.
|
Ông Phạm Hoành Sơn- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hoành Sơn Group cho biết: Khi đi vào hoạt động, công trình không những cung cấp đủ nước cho toàn bộ Khu kinh tế Vũng Áng mà còn phục vụ tưới tiêu cho trên 2.000ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn. Cả khu vực Rào Trổ rộng hàng ngàn ha sẽ trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng, du khách có thể du thuyền đi từ thượng nguồn Rào Trổ xuôi theo kênh dẫn, qua đường hầm tuynel về tập kết ở bến sông Trí.
Cũng từ đây, nhiều mô hình trang trại sẽ được phát triển nhờ có nguồn nước sông Trí về tưới mát ruộng đồng. Tuy dự án mới được khởi công xây dựng từ cuối năm 2011 nhưng đến ngày 21.3.2013, công ty đã đưa nước về kịp thời phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện đạt mức 1.472 m3/ngày. Thành công ban đầu của công ty đã được khách hàng đầu tiên là lãnh đạo Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng đánh giá cao.
Chỉ vài năm nữa khi dự án hoàn thành, cả một vùng thượng và nam Kỳ Anh sẽ không còn cảnh thiếu nước. Dòng nước ngọt từ hồ Rào Trổ sẽ theo hệ thống kênh mương dài 22km chảy vào đập dâng Lạc Tiến, xuống hồ Thượng sông Trí, cùng với hồ Kim Sơn, hồ Mộc Hương phục vụ cho đại dự án Formosa, tưới mát hàng ngàn ha ruộng đồng, khu nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho cả thị trấn Kỳ Anh và Khu công nghiệp Vũng Áng.
Đình Thông-Hữu Anh (Đình Thông-Hữu Anh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.