Ma trận bùa chú
Cảnh nuôi kumathong - “búp bê bùa ngải”. Ảnh: PV
Những loại “bùa ngải” rao bán tràn lan trên Facebook được quảng cáo là có nguồn gốc chủ yếu từ Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc. Việc giao dịch cũng diễn ra hết sức đơn giản, khách hàng chỉ gần gửi thông tin và chi phí lễ lạt đi lại, những người làm dịch vụ nói là sẽ đi thỉnh thầy giúp rồi sau đó gửi bùa về tận địa chỉ được yêu cầu.
Phổ biến nhất trong thế giới “bùa ngải” là “bùa yêu”, giá cả thì mỗi nơi một kiểu, từ vài trăm đến cả triệu đồng. “Bùa yêu” cũng có rất nhiều dạng khác nhau: Dạng giấy, dạng dầu nước, dạng sáp, dạng bột... Tất cả đều được miêu tả là đã phù phép, công dụng cực mạnh khiến đối phương chỉ biết nghe lời, đắm đuối mê muội không thể rời xa.
Trong vai khách hàng, PV tìm đến một địa chỉ Facebook có tên D.H.H rao bán đủ loại “bùa ngải” kèm theo những quảng cáo... lạ tai như: Bùa yêu, bùa hộ thân, bùa hồ ly, bùa mẹ ngoắc, bùa quyến rũ,...
Khi tỏ ý đang tìm mua một “bùa” để cải thiện đường tình duyên, chủ Facebook này nhiệt tình tư vấn: “Em có thể thỉnh bùa hồ ly hoặc bùa quyến rũ, đồng giá 2,5 triệu đồng”. Sau đó, lập tức người này đưa đẩy những lời có cánh về công dụng của chúng...
Khi PV đặt vấn đề với chủ Facebook có tên “Nhận làm bùa ngải” về loại “bùa” này, người này lập tức đáp rằng có thể luyện “bùa” với giá từ 5 - 10 triệu đồng nhưng tác dụng chỉ vừa phải. Cũng có loại đặc biệt tốt có giá hàng trăm triệu đồng. “Bùa” sẽ khiến đối tượng đi từ những hoảng loạn dần dần tới khủng hoảng suy nghĩ và mất kiểm soát hành động, từ đó tán gia bại sản(?).
Có trang Facebook còn mạnh miệng quảng cáo có loại bùa có thể trị khỏi bệnh, bất chấp không có một căn cứ khoa học. Trên Facebook N.V.Đ đăng tải hình ảnh về lá bùa có tên Sinh Mệnh Bình An. Với mức giá 590.000 đồng, chỉ với một mảnh giấy màu vàng và vài nét vẽ nguệch ngoạc màu đỏ lên trên, “bùa” này được cho có thể giúp hỗ trợ chữa các bệnh như ung thư, tiểu đường...
Một thứ “mốt” tâm linh
Các shop bùa online hoạt động rất nhộn nhịp trên facebook.
“Kumanthong” trong tiếng Thái có nghĩa là “Cậu bé vàng”, hay còn được gọi là “Quỷ linh nhi”. Đây là một loại “bùa ngải” có nguồn gốc từ Thái Lan. Truyền thuyết kể lại rằng, trước đây để giúp đỡ những đứa trẻ bị chết yểu, các pháp sư Thái đã giúp đưa linh hồn của chúng vào những hình hài mới, đó có thể hình nhân em bé hoặc các họa tiết trên dây chuyền, vòng đeo tay để chúng có thể tái sinh và siêu thoát.
Nguyên liệu chủ yếu của kumanthong bằng đồng hoặc gốm, nay có thêm dạng búp bê. Gần đây, tại Việt Nam, kumanthong đang dần trở thành một thứ “mốt” tâm linh được nhiều người trẻ săn lùng.
Trên mạng xã hội, có đến hàng chục hội nhóm kín được lập ra chuyên về trao đổi, buôn bán và chăm sóc kumanthong. Một số loại kumanthong phổ biến như sau: Dạng búp bê có giá từ 3 - 5 triệu đồng, dạng tượng cúng có giá từ 5 - 8 triệu đồng, loại đặc biệt được ghi rõ là của chùa Thái được làm công phu hơn có giá lên đến vài chục triệu đồng.
Mang những câu chuyện sặc mùi mê tín dị đoan này trao đổi với Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), ông cho rằng, hiện nay, phong trào phục hồi di sản đang được chú trọng nhưng đồng thời cũng làm sống dậy tín ngưỡng xa xưa. Mà “bùa ngải” hay cúng bái là một trong những tín ngưỡng đó.
Hiện tượng này, theo ông Hiền, là mặt trái của việc phục hồi di sản. Bởi vậy, các thầy bà địa lý, cầu hồn, gọi vong... càng có lý do để tung tác.
“Ngày này, đến tín ngưỡng cũng dựa vào công nghệ thông tin để phát triển như chữa bệnh từ xa, bắt ma, trừ tà từ xa… Nhưng nếu nhìn nhận tỉnh táo, có thể thấy đó là sự náo loạn về tín ngưỡng. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn, khắc chế tình trạng này” - ông Hiền nêu quan điểm.
Trao đổi với PV báo Lao Động, TS Vật lý Vũ Văn Bằng - người đư ra những lý giải khoa học xung quanh “ngôi nhà ma” 300 Kim Mã (Hà Nội) - bác bỏ hoàn toàn những câu chuyện về bùa chú, đặc biệt là trào lưu nuôi kumanthong. Theo TS Bằng, những người sử dụng bùa ngải mà cảm thấy may mắn, chẳng qua là do hiệu ứng tâm lý đám đông hoặc chứng tự kỷ ám thị.
Đồng thời, ông cũng phản bác về việc các pháp sư yểm bùa, đưa linh hồn vào những hình hài mới trong câu chuyện về kumanthong.
Ngày 21.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Cao Thái - Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Chưa có nhiều hoạt động thanh tra hay giám sát việc trao đổi, buôn bán bùa ngải trên mạng xã hội, bởi để xử lý cần phải hiểu bản chất của hoạt động này”. Đại diện Bộ cũng bày tỏ mong muốn có sự phối hợp của báo chí để cung cấp thêm thông tin để ngăn chặn các hiện tượng biến tướng mê tín dị đoan ngày càng phức tạp. L.N
|
LONG NGUYỄN - ĐÌNH TRƯỜNG (Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.