Tháng công nhân và câu chuyện của những người lao động “lao đao” theo giá xăng dầu
Tháng Công nhân, "bão giá" và câu chuyện giật gấu vá vai của những người lao động
Chinh Hoàng
Thứ sáu, ngày 20/05/2022 13:31 PM (GMT+7)
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động trong Tháng Công nhân, song xăng dầu leo thang kéo theo giá hàng hóa tăng khiến cuộc sống của họ bình thường đã khó nay càng khó hơn.
Giá lương thực, thực phẩm tiếp tục neo ở mức cao, đẩy cuộc sống của những công nhân lao động tại các thành phố trở nên khó khăn hơn vì... đồng lương công nhân vẫn giữ nguyên.
Thắt chặt chi tiêu vẫn thiếu trước hụt sau
Khu nhà trọ trong hẻm 659 đường số 19E quận Bình Tân, TP.HCM chủ yếu dành cho những công nhân làm việc tại các công ty, khu công nghiệp lân cận địa bàn quận.
Trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Xuân Huệ (quê Đồng Tháp) bày tỏ: "Gạo, đường, mắm muối... cái gì cũng tăng. Cái nào ít tăng 3.000-5.000 đồng, nhiều 10.000-20.000 đồng nhưng lương vẫn vậy. Thời gian vừa qua tôi phải thắt chặt chi tiêu cố gắng lắm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau".
Chị Huệ đang làm việc tại một công ty đóng ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị là thợ sửa máy, thu nhập từ 6-8 triệu/tháng, tổng thu nhập hằng tháng của 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng, nhưng hiện chị đang phải lo 6 miệng ăn.
Theo chị Huệ, trong nhà có trẻ nhỏ, người già nên việc ăn uống không thể qua loa, phải đảm bảo dinh dưỡng. Thời gian gần đây, xăng dầu liên tục tăng giá, từ đó đẩy giá thực phẩm tăng theo. Ngày trước đi chợ 1 ngày chi khoảng 150.000 đồng nhưng giờ số tiền ấy không còn đủ, tằn tiện lắm cũng phải 180.000-200.000 đồng, loay hoay mãi nhưng không có cách giải quyết.
Chị Huệ chia sẻ thêm: Chị đã 2 lần mắc Covid-19, lần gần nhất cách đây hơn 3 tháng. Sau 2 lần mắc bệnh sức khỏe chị giảm sút, thường xuyên lo âu, nóng tính, trí nhớ giảm... nhưng vì điều kiện kinh tế khá chật vật nên đến nay chị chưa thể đi khám dịch vụ.
Hơn tháng nay chị thường xuyên nhịn ăn sáng. Đồng thời, những hoạt động vui chơi giải trí của con cái trong những ngày cuối tuần cũng bị cắt giảm đi. Theo chị, đây là những biện pháp tiết kiệm trước mắt mà chị có thể nghĩ ra ở thời điểm này.
Cùng hoàn cảnh như chị Huệ, bà Đỗ Ngọc Phượng (quê Bến Tre) chọn giải pháp hạn chế ăn ngoài, tăng cường nấu nướng tại nhà để tiết kiệm trong thời điểm giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao.
Theo bà Phượng, với mức lương chừng 8 triệu đồng từ công việc may giày tại công ty trên địa bàn quận Bình Tân, thời gian trước mỗi tháng bà có thể để dành được khoảng 2 triệu đồng. Nhưng hơn tháng nay nếu vẫn duy trì tiết kiệm số tiền ấy thì phần tiền khoảng 6 triệu còn lại để lo chi phí sinh hoạt hằng ngày không thể đủ.
Tạm thời bà Phượng chỉ dành 1 triệu đồng/tháng làm tiết kiệm, thích ứng với giai đoạn vật giá leo thang ở thời điểm hiện tại.
Chắp vá qua ngày
Tại khu nhà trọ, chị Lê Thị Ngọc Minh (quê Đồng Tháp) đang mang bầu đứa con thứ 2 gần 4 tháng.
Hỏi về cuộc sống hiện tại khi giá xăng dầu, hàng hóa leo thang chị Minh thở dài: "Trong thời kỳ dịch Covid-19 đã có những lần vợ chồng tôi kéo nhau về quê ăn dầm, nằm dề. Sau dịch chúng tôi quay trở lại thành phố làm việc. Nhưng cuộc sống không thấm khá nổi, không tiết kiệm được bởi thời gian vừa qua vật giá quá cao, tôi lại đang mang bầu…".
Chị Minh cùng chồng làm việc chung tại một công ty may trên địa bàn quận Bình Tân với tổng thu nhập hai người chừng 15 triệu đồng.
Theo chị, với số tiền ấy ngày chưa có con 2 vợ chồng đủ sống, ngoài ra còn để dành được một khoản nho nhỏ. Nhưng từ ngày có con, nào tiền tã, sữa... rồi tiền học hành nên khoản lương nhỏ của 2 vợ chồng đã không còn đủ, thiếu trước hụt sau thi thoảng phải đi vay mượn từ bạn bè, người thân, giật gấu vá vai.
Thời điểm khi mang thai đứa con thứ 2, cuộc sống của gia đình chị Minh càng trở nên chông chênh hơn. "Giá cả mỗi ngày một cao lên, thu nhập không tăng thành ra mãi cứ luẩn quẩn vậy. Nhiều lúc cũng chán nhưng vì chồng, vì con, vì gia đình nên phải cố gắng làm, cố gắng tiết kiệm. Giờ chuẩn bị đón thêm thành viên mới mà gia đình không có khoản tiết kiệm nào. Thôi thì đến đâu hay vậy!", chị Minh thở dài.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 1,6 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Tính riêng số lượng tại toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM có 280.000 người, còn tại các khu công nghệ cao là 45.000 người.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ TP.HCM, trước mắt trong Tháng công nhân năm 2022, LĐLĐ TP.HCM sẽ tổ chức hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn, đang nuôi con nhỏ, mắc bệnh hiểm nghèo… bằng việc tổ chức "Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình" với 2 hình thức là bán trực tiếp và bán online. Song song đó là triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động khó khăn trong Tháng công nhân 2022.
Năm nay, LĐLĐ TP sẽ không đưa ra số lượng chăm lo cụ thể, mà các cấp công đoàn cơ sở phải rà soát lại những trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ tổ chức chăm lo. Như vậy công tác chăm lo đoàn viên, người lao động sẽ được đầy đủ, phân kỳ, đảm bảo không trùng và có nhiều người được quan tâm nhất.
Liên quan đến vấn đề tăng lương cho công nhân, người lao động, ông Đô cho biết thêm, LĐLĐ TP.HCM đã chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở chủ động, kiên trì thương lượng với các chủ doanh nghiệp tăng lương cho người lao động trong năm nay.
"Hiện nay, lương không tăng nhưng giá cả hàng hóa lại tăng, như vậy buộc phải tăng lương cho người lao động để họ có thêm thu nhập. Vì mức lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo giúp cho người lao động tái tạo được sức lao động, gián tiếp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp", ông Đô chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.