Thăng hạng giáo viên: Nhiều giáo viên dạy giỏi có được xét bổ sung năm 2024?

Tào Nga Thứ hai, ngày 15/01/2024 12:18 PM (GMT+7)
Liên quan đến xét thăng hạng giáo viên, nhiều giáo viên mong mỏi năm 2024 sẽ có thêm đợt xét thăng hạng bổ sung để được ghi nhận quá trình cống hiến của mình cho giáo dục Thủ đô.
Bình luận 0

Mong mỏi có thêm đợt xét thăng hạng giáo viên năm 2024

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một giáo viên ở huyện Quốc Oai, Hà Nội tâm sự khi không được nhận hồ sơ xét thăng hạng giáo viên năm 2023. 

Cô cho biết: "Tôi năm nay gần 50 tuổi, đã công tác trong ngành hơn 20 năm. Trong quá trình công tác, tôi đạt thành tích là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, tham gia dạy các chuyên đề của trường. Tuy nhiên, năm 2023, do không phải là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nên tôi không được nộp hồ sơ thăng hạng. Trường tôi có nhiều hồ sơ phải trả về vì không phải là giáo viên cốt cán mặc dù có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ, minh chứng theo thang điểm 100.

Thăng hạng giáo viên: Nhiều giáo viên dạy giỏi có được xét bổ sung năm 2024?- Ảnh 1.

Nhiều giáo viên dạy giỏi mong ngóng có thêm đợt xét bổ sung thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh minh họa: Tào Nga

Trong khi đó, tôi có tham khảo một số giáo viên như chúng tôi ở các huyện khác thì vẫn được nộp hồ sơ và có kết quả trúng tuyển. Chúng tôi không biết "kêu" với ai mà cảm thấy vô cùng tủi thân, thiệt thòi. Ngoài mong muốn có thêm đợt hồ sơ xét bổ sung, tôi cũng mong muốn những công văn chỉ đạo của cấp trên nên rõ ràng dễ hiểu, để tránh mỗi người hiểu mỗi cách khác nhau làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên".

Cùng chung tâm trạng, cô Trần Việt Hồng, giáo viên Trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bày tỏ: "Bản thân tôi thuộc diện chính sách, là con liệt sĩ. Cha tôi hy sinh khi tôi mới được 13 tháng tuổi. Cuộc sống bao nhiêu năm qua của tôi rất vất vả nhưng trong suốt 24 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi luôn yêu nghề, tận tụy, cần mẫn với công việc, phấn đấu hết mình và được học trò, bạn bè đồng nghiệp yêu mến. 

Tôi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn dự xét thăng hạng, có nhiều đóng góp, thành tích trong suốt thời gian công tác. Tôi được đồng nghiệp tín nhiệm bầu vào Ban thanh tra nhân dân của nhà trường 2 khóa từ năm 2017 đến năm 2021 (năm 2021-2022 vì lý do gia đình tôi xin phép nghỉ). Cũng từ đó, năm nào tôi cũng đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng hoặc Thanh tra viên trong công tác Thanh tra thi (vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT) theo quyết định của Sở. 

Bên cạnh đó, tôi có hơn 20 năm làm công tác chủ nhiệm, luôn nghiêm túc thực hiện các công việc được giao và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm các phong trào của trường, của Cụm, của Ngành, của Thành phố như Thi Cô giáo tài năng duyên dáng đạt Giải Nhì cấp trường; Thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi đạt Giải Ba cấp Cụm; Giải Nhì môn Toán cấp Cụm. 16 năm liên tiếp viết Sáng kiến kinh nghiệm môn Toán và đều được Sở xếp loại B, C; 9 năm là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; Hàng năm đều tham gia dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của trường; Tham gia thi đấu Giải cầu lông do Ngành giáo dục tổ chức: Giải Nhất, Nhì Cụm; Đạt danh hiệu Giỏi việc trường, đảm việc nhà. 

Thế nhưng tôi không được nộp hồ sơ xét thăng hạng vì căn cứ vào cơ cấu theo từng môn. Tôi không hiểu vì sao những giáo viên như tôi có thành tích thi giáo viên giỏi, nhiều năm viết sáng kiến kinh nghiệm nhưng lại bị loại hồ sơ, còn giáo viên khác lại được. 

Tôi mong muốn được nộp hồ sơ xét thăng hạng bổ sung để những giáo viên như tôi và giáo viên chưa đủ 9 năm có bằng đại học được ghi nhận quá trình cống hiến của chúng tôi cho giáo dục Thủ đô".

Một giáo viên khác cũng ngậm ngùi bày tỏ: "Tôi là giáo viên vừa tham gia đợt xét thăng hạng đợt vừa qua nhưng không được nộp hồ sơ. Với 19 năm công tác trong ngành giáo dục tôi đã có nhiều đóng góp như giáo viên giỏi bộ môn cấp Cụm và đạt giải Ba; 3 năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, sáng kiến loại B-C; Tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi thành phố và đều có giải cao qua các năm... Thế nhưng hồ sơ của tôi bị loại vì được biết chỉ có 50% số giáo viên mỗi môn được xét. Tuy nhiên, tôi thấy không công bằng ở đây là môn của tôi có 5 giáo viên. Năm 2020, có 2 người được xét nên giờ không được xét tiếp dù 2/5 người vẫn chưa đạt 50% số giáo viên. Trong khi đó, có môn có tới 6/8 hoặc 2/3 hồ sơ được nộp".

Số lượng giáo viên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng 2 sẽ không quá 50%?

Ngày 5/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 64/BNV-CCVC về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Theo nội dung Công văn 64, qua kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương và ý kiến tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung.

Về xác định cơ cấu ngạch công chức, được tính theo tỷ lệ % số công chức giữ các ngạch công chức trên tổng số công chức trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức, trong đó, đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh.

Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 40%.

Ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống tối đa không quá 60%.

Đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc UBND cấp huyện:

Ngạch chuyên viên và tương đương: tối đa không quá 80%.

Ngạch cán sự, nhân viên và tương đương: tối đa không quá 20%.

Về xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, được thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như dưới đây.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2):

Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%.

Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%.

Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có) tối đa không quá 30%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4):

Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.

Ngoài ra, Công văn còn thống nhất một số điểm triển khai thực hiện như:

Trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi ngạch công chức hoặc mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào ngạch (hạng) thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định.

Trường hợp số lượng thực tế hiện có vượt tỷ lệ nêu trên thì tạm thời không tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đã vượt quá tỷ lệ và một số nội dung liên quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem