Thành cổ Jericho: Thành phố lâu đời nhất thế giới

Chủ nhật, ngày 27/03/2022 14:33 PM (GMT+7)
Nằm ở Bờ Tây Palestine, Jericho nổi tiếng với danh xưng “thành phố có người cư ngụ liên tục lâu đời nhất thế giới” đã thu hút rất nhiều người đến đây trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Bình luận 0

Thành cổ Jericho trong Kinh thánh

Thành cổ Jericho nổi danh từ câu chuyện trong Kinh Thánh, nơi Đức Chúa trời đã ra lệnh cho Joshua phá hủy thành phố vì cư dân nơi đây đã không vâng lời ngài.

Sự sống của thành phố đã bắt đầu từ khoảng khoảng 10.000 năm trước Công nguyên, khi những người thợ săn Natuf bắt đầu cắm trại ở thành phố vì nơi đây có nguồn nước phong phú. Tuy nhiên, trong thời kỳ lạnh và hạn hán, những người thợ săn phải di chuyển khắp nơi. Phải đến sau khi thời kỳ Younger Dryas kết thúc, nhóm người Natuf mới có thể định cư lâu dài tại mảnh đất này.

Thành cổ Jericho: Thành phố lâu đời nhất thế giới - Ảnh 1.

Hình ảnh tái dựng thành cổ Jericho. Ảnh: thearchaeologist

Khu định cư lâu dài đầu tiên được dựng nên tại Tell es-Sultan, còn được gọi là Đồi Sultan. Các nhà khảo cổ gọi giai đoạn này là “Thời đồ đá mới tiền gốm sứ A” (Pre-Pottery Neolithic A), vì người dân không sử dụng bất kỳ đồ sành sứ nào. Tại đây, 1.000 cư dân đã xây hơn 70 nhà ở vòng tròn bằng đất sét trộn với rơm phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Đáng chú ý, nơi đây có một bức tường bằng đá khối lớn cao trên 3,6 mét, rộng 1,8 mét bao quanh thành phố. Bên trong bức tường này là một tháp đá cao, có một cầu thang bên trong với 22 bậc đá.

Trận chiến thành Jericho là một câu chuyện thú vị, nó phác họa nên hình ảnh Hòm Giao ước, những chiếc tù và được sử dụng như một loại vũ khí dưới sự chỉ huy của Joshua và mệnh lệnh của Đức Chúa trời. Cuộc chiến không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi vũ khí phải mạnh đến mức có khả năng phá hủy toàn bộ thành phố chỉ trong vòng bảy ngày. Trừ cô gái điếm Rahab và gia đình của cô, mọi sinh vật đều chết. Joshua đã nguyền rủa rằng thành phố sẽ mãi chìm trong đống đổ nát, không bao giờ được xây dựng lại. Tuy nhiên, về sau thành phố đã được xây dựng lại nhiều lần.

Trên thực tế, Jericho là một thành phố với hàng phòng ngự kiên cố, có đủ lương thực và nước uống để tồn tại trong nhiều tháng. Phải mất nhiều tháng - thậm chí nhiều năm - để phá hủy một thành phố như vậy. Thế mà Joshua đã làm được chỉ trong bảy ngày - theo Kinh thánh. Tính thực tế của câu chuyện này đến nay vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Các cuộc khai quật tại Tell Es-Sultan ở Jericho

Năm 1868, nhà khảo cổ Charles Warren đã quyết định tiến hành cuộc khai quật đầu tiên tại Jericho. Ông chủ yếu tập trung vào Tell es-Sultan, chỉ cách trung tâm Jericho vài km về phía Bắc. Warren tin rằng đây là địa điểm của Jericho cổ đại do sự tồn tại của con suối Ain es-Sultan. Con suối này còn được gọi là Con suối của Elisha, là địa điểm nơi Elisha đã được chữa lành trong Kinh thánh.

Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật các bức tường thành, bởi nó là cơ sở quan trọng giúp đánh giá tính thực tế trong câu chuyện Joshua trở thành thủ lĩnh của người Israel cổ đại và được Chúa dẫn đường đánh chiếm thành Jericho của người Canaan. Câu chuyện trong Kinh thánh mô tả thành phố có những bức tường gần như bất khả xâm phạm, là nỗi ác mộng của bất cứ kẻ nào có ý định tấn công thành phố.

Dựa trên các bằng chứng khảo cổ học, một số người cho rằng câu chuyện trong Kinh thánh là chính xác. Các cuộc khai quật cho thấy Jericho đã từng được dựng nên, xây thành đắp lũy, sau đó bị tấn công và đốt cháy vào khoảng giữa hoặc cuối thời kỳ đồ đồng - giai đoạn giữa năm 1550 trước Công nguyên và năm 1400 trước Công nguyên.

“Tất nhiên, những phát hiện khảo cổ tại Jericho không nhằm chứng minh thực tế đã xảy ra chính xác như mô tả trong Kinh thánh, nhưng chúng cho thấy những gì Kinh thánh thuật lại có phần đáng tin cậy”, Caleb Strom lập luận. “Mặc dù đôi khi các nhà khảo cổ nghi ngờ những câu chuyện, giai thoại về quá khứ, nhưng cũng có lúc chúng lại chính xác một cách đáng ngạc nhiên”.

Các cuộc khai quật của Kathleen Kenyon từ những năm 1950 đã phát hiện ra 17 bức tường đầu thời kỳ đồ đồng, một số có dấu hiệu bị phá hủy bởi động đất và số khác thì bởi những người du mục. Theo GS. Willem Boshoff (Khoa Kinh thánh và Nghiên cứu Cổ đại, Đại học Nam Phi), lúc bấy giờ bà Kenyon đã kết luận rằng vòng đời của các bức tường thành tại Jericho không tương ứng với mốc niên đại giả định trong Kinh thánh - nó có trước niên đại giả định hàng thế kỷ. Phần lớn các bức tường đổ nát thực sự có niên đại từ thời kỳ đồ đồng sớm. Trong cuộc khai quật của mình, Kenyon cũng đã phát hiện ra một tháp đá 8,5 mét có niên đại 8.000 năm trước Công nguyên - một trong những công trình bằng đá sớm nhất từng được xây dựng.

Quay lại với câu chuyện trong Kinh thánh, rõ ràng người dân thành Jericho đã chuẩn bị kĩ càng cho một cuộc bao vây: Con suối dồi dào nằm bên trong các bức tường thành là nguồn cung cấp nước cho người dân Jericho cổ đại lẫn hiện đại. Vào thời điểm bị tấn công, mùa màng vừa được thu hoạch (Joshua 3:15) nên dân chúng có nguồn lương thực phong phú. Cuộc khai quật của John Garstang vào năm 1930 và của Kenyon đều chứng thực điều này thông qua những chiếc bình lớn chứa đầy ngũ cốc được tìm thấy trong các ngôi nhà của người Canaan. Với nguồn lương thực và nguồn nước như vậy, cư dân trong thành có thể cầm cự được vài năm. Kinh thánh cho biết thành Jericho đã thất thủ chỉ sau bảy ngày. Những chiếc bình được tìm thấy trong tàn tích Jericho lại đầy ắp, cho thấy cư dân trong thành đã tiêu thụ rất ít ngũ cốc - dường như cuộc vây hãm diễn ra vô cùng ngắn ngủi.

Sau chuyến đi vòng quanh thành phố vào ngày thứ bảy, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng bức tường đã “sụp đổ”. Tiếng Do Thái diễn đạt một cách chính xác rằng bức tường “nằm bên dưới chính nó”. Có bằng chứng nào cho thấy đã từng có một sự kiện như vậy tại Jericho không? Trên thực tế là có. Các nhà khảo cổ đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy bức tường thành bằng gạch bùn đã sụp đổ và nằm lắng đọng dưới chân của bức tường chắn bằng đá. Ở phía Tây của bức tường thành, Kenyon đã phát hiện gạch đỏ rơi chất đống gần đến đầu kè. “Những thứ này có thể đến từ bức tường trên đỉnh bờ [và/hoặc]… lớp gạch phía trên kè”, Kenyon cho biết. Nói cách khác, bà ấy tìm thấy một đống gạch từ những bức tường thành đổ nát! Các cuộc khai quật vào năm 1997 cũng đưa ra phát hiện giống hệt như vậy ở cuối phía Nam của gò đất.

Ngày nay, các nhà khảo cổ học vẫn đang đi tìm lời giải cho câu hỏi: Rốt cục các bức tường thành Jericho đã sụp đổ như thế nào? Liệu có phải do một trận động đất? Sức mạnh của người ngoài hành tinh? Hay thậm chí có phải là “Nhờ đức tin, các bức tường thành Jericho đã sụp đổ, sau khi các chiến binh đi vòng quanh thành bảy ngày” như trong Kinh thánh?


Anh Thư (Theo Khoa học và phát triển)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem