Theo phương án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045 do Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa xây dựng; mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 90% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường.
Các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường; lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ sản xuất nhiệt điện, phân bón; chất thải rắn nguy hại phát sinh từ sản xuất; chất thải rắn trong xây dựng; bùn thải… đều được thu gom xử lý với tỷ lệ từ 80 đến 100%, tùy điều kiện và khả năng thực tế. Đến năm 2045, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; hạn chế đến mức thấp nhất việc chôn lấp chất thải rắn như tại nhiều địa phương hiện nay.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều giải pháp thực hiện các vấn đề liên quan như: cơ chế chính sách cho thực hiện; phương án kêu gọi đầu tư các khu xử lý; nguồn kinh phí thực hiện; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đánh giá cao Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nghiên cứu, khảo sát để hoàn thiện phương án quy hoạch. Sở đã có sự phối hợp với các ngành, các địa phương để phân tích hiện trạng, đề xuất hướng xử lý, có tính khả thi. Đồng chí thống nhất với những đánh giá về hiện trạng tình hình xử lý chất thải rắn hiện nay, nhưng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ hơn những bất cập hiện tại, cũng như dự tính tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn những giai đoạn tới.
Với các phương án và giải pháp thực hiện, đồng chí thống nhất điều chỉnh 5 khu xử lý rác thải tập trung của những giai đoạn trước, thành 3 khu xử lý tập trung trong thời gian tới, gồm: Cụm xã Đông Nam, huyện Đông Sơn để xử lý rác thải cho TP. Thanh Hóa và huyện Đông Sơn; Cụm xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia để xử lý cho huyện Tĩnh Gia và Khu Kinh tế Nghi Sơn mở rộng; Cụm khu xử lý rác thải tập trung tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn trên cơ sở xây dựng 3 phương án xử lý rác. Các huyện, thị xã còn lại sẽ xây dựng khu xử lý riêng cho từng địa phương trên cơ sở đốt triệt để hoặc xử lý hỗn hợp, hạn chế việc chôn lấp. Riêng 5 huyện miền núi cao của tỉnh, vẫn thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh tại các địa điểm phù hợp, do huyện đề xuất.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương để xác định vị trí cụ thể các khu xử lý rác cấp huyện. Các đô thị phảo có quy hoạch vị trí đổ rác thải xây dựng, bê tông tươi dư thừa và bùn thải nạo vét. Với các khu đốt hoặc chôn rác nhỏ lẻ hiện tại, cần quy hoạch lại trên cơ sở mở rộng, nâng cấp nhưng bảo đảm yêu cầu theo các tiêu chuẩn; những khu xử lý không bảo đảm điều kiện môi trường cần phải dừng hoạt động theo lộ trình phù hợp. Các ngành, địa phương cần tăng cường quản lý Nhà nước với các cơ sở xử lý rác thải nguy hại, rác công nghiệp và rác thải y tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.