Thanh Hóa: Khẩn cấp đối phó bão số 8

Thứ bảy, ngày 27/10/2012 20:30 PM (GMT+7)
Dân Việt - Chiều 27.10, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để triển khai công tác đối phó cơn bão.
Bình luận 0

Ngay trong chiều 27.10, BCH PCLB tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương cung cấp 50 tấn gạo lên các huyện miền núi gồm: Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Thường Xuân để dự trữ ở những nơi xung yếu, có khả năng bị cô lập khi mưa lũ, để cứu trợ cho người dân khi có nhu cầu. Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã huy động 2.300 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh điều động.

img
Tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão ở kênh De, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 10h ngày 27.10, toàn tỉnh đã có 8.566 phương tiện với 28.553 lao động hoạt động nghề cá trên biển. Trong đó, có 8.558 phương tiện với 28.506 lao động đã được kêu gọi vào nơi tránh trú bão an toàn.

Hiện nay, còn 8 phương tiện, 47 lao động của các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia đang trên đường vào nơi tránh trú bão ở các khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh và đảo Bạch Long Vĩ. Đồng thời, số lao động nêu trên vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương.

Hiện nay, tại Thanh Hóa có 117 hồ chứa không đảm bảo an toàn, BCH PCLB tỉnh đã chỉ đạo không cho tích nước hoặc chỉ tích nước một phần. Đối với các hồ bị sự cố hư hỏng do đợt mưa lũ hồi đầu tháng 9 vừa qua đều đã được gia cố tạm thời.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch xong 132.127 ha lúa mùa. BCH PCLB tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp triển khai ngay công tác bảo vệ, chống ngập úng đối với 45.479 ha/52.000ha diện tích rau màu vụ đông đã gieo trồng.

Để đối phó với cơn bão này, BCH PCLB tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các huyện ven biển, gồm: Tĩnh Gia, Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn…triển khai công tác chủ động kêu gọi tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng di dời dân tránh bão khi có lệnh. Các huyện miền núi lập tức triển khai những giải pháp phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…Đồng thời, yêu cầu các địa phương trong tỉnh lập tức triển khai công tác phòng, chống bão, lụt theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng đối phó với tình huống xấu xảy ra.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem