Tại Hà Tĩnh, chiều 15.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đến huyện Kỳ Anh - vùng tâm bão số 10 - chỉ đạo ứng cứu và khắc phục.
Theo thông tin mới nhất từ ông Đặng Quốc Vinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có 25.000 ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm ha hoa màu và thủy sản bị ngập thiệt hại nặng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác ứng cứu tại tâm bão Kỳ Anh.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Cơn bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào Kỳ Anh gây thiệt hại nặng. Tôi mong chúng ta không chủ quan gây thiệt hại về người. Đề nghị huyện, thị tập trung lực lượng giúp dân khắc phục, kịp thời động viên thăm hỏi bà con bị thiệt hại sau bão”.
Bà Nguyễn Thị Hoài Nam - Chánh văn phòng phòng chống thiên tai thị xã Kỳ Anh cho biết: “Đến 15h chiều 15.9, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, 100% hoa màu, thủy sản bị ngập, hàng ngàn nhà dân bị tốc mái”.
Bão số 10 gây thiệt hại nặng ở Kỳ Anh.
Chiều 15.9, PV Dân Việt có mặt tại đê sông Lam thuộc địa phận xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên (Nghệ An). Tại đây, dù không còn mưa nhưng gió giật mạnh, nước sông Lam dâng lên cao khiến hàng chục nhà dân bị ngập cuốn theo nhiều gia súc, gia cầm và thuyền bè mất tích.
Hơn 600 hộ dân các xóm 1, 2, 3, 6 bị nước cô lập hoàn toàn. Đặc biệt, nước lũ gây gập toàn bộ diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản và cây trồng vụ đông.
Nước lũ chia khiến nhiều hộ dân bị cô lập.
Bà Đậu Thị Mạo (xóm 6, Hưng Lợi) thất thần nhìn về nhà của mình ngập hơn 1m nói: “Khoảng 12h trưa nay, nước dâng lên rất nhanh, chúng tôi phải bỏ của chạy lấy người. Toàn bộ tài sản trong nhà bị nước nhấn chìm, mất hết gia súc gia cầm. Thế là trắng tay rồi”.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Lộc (xóm 2, Hưng Lợi) nghẹn ngào nói: “Nước dâng lên quá nhanh, gia đình tôi chỉ kịp vận chuyển đồ đạc trong nhà, còn 2 con lợn 50kg, hơn 50 con ngan, gà bị cuốn trôi hết. Đêm nay, nước sẽ còn dâng lên, không biết nhà có còn nguyên vẹn hay là bị cuốn ra sông Lam đây”.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Hữu Đạo – Chủ tịch UBND xã Hưng Lợi cho biết: “Nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Lam dâng cao. Hiện tại, có hơn 600 hộ dân ở các xóm 1, 2, 3 và 6 bị cô lập hoàn toàn. 10h tối 14.9, chúng tôi đã sơ tán được 140 hộ dân, còn những nhà kiên cố thì các hộ dân ở lại, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động nhân dân sơ tán đến nơi an toàn. Hiện chưa có thiệt hại về người”.
Công nhân đường sắt Thanh Hóa đảm bảo an toàn giao thông cho các chuyến tàu trong nưa bão. (Ảnh chụp lúc 16h ngày 15.9, tại cung đường sắt qua xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống).
Tại Thanh Hóa, lúc 16h, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Gia Khánh - Giám đốc Công ty CP đường sắt Thanh Hóa cho biết: “Để đề phòng ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, phía công ty đã huy động các công nhân viên túc trực 24/24h tại các điểm xung yếu, dọn dẹp cây cối đổ ngã và đá trôi vào đường ray tránh ảnh hưởng đến an toàn đường sắt qua địa bàn Thanh Hóa”.
Cũng theo ông Khánh, do ảnh hưởng cơn bão số 10, ngành đường sắt đã phát đi lệnh cấm tàu. Hiện nay, đoạn qua địa phận thị xã Hoàng Mai ( Nghệ An) có mưa lớn cách đây hơn 2 tiếng làm ngập đường ray, nên toàn bộ các chuyến tàu đều tạm dừng chờ nước rút.
Nhiều kiot ở Cửa Hội (Nghệ An) bị bão số 10 xoá sổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.