Thanh Hóa: Nghề gì chưa hẳn đã "già" nhưng nhiều nhà ở nơi này đã đã bỏ?
Thanh Hóa: Nghề gì chưa hẳn đã "già" nhưng nhiều nhà ở nơi này đã bỏ?
Vũ Thượng
Thứ sáu, ngày 05/03/2021 11:50 AM (GMT+7)
Nghề đan lát, trong đó có nghề đan cót truyền thống tại làng Giàng, xã Thiệu Dương, nay thuộc phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đang bị mai một. Các sản phẩm như: Cót, nan, nong, nia, sàng, sịa,…các vật dụng này cũng ít gia đình mua về sử dụng.
Mặc dù, nghề đan cót làng Giàng gặp bao biến cố, thăng trầm, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo của làng nghề và lưu mãi cùng thời gian.
Theo các cụ cao niên trong làng Giàng kể lại, những năm 60 của thế kỷ trước, các vật dụng như: Cót, nong, nia, sàng, sịa…do chính tay người dân làng Giàng làm được, bày bán ở khắp các chợ quê xứ Thanh. Riêng đan cót là nghề chính, thu hút nhiều người tham gia làm nhất ở làng Giàng trước kia.
Nghề đan cót, nong, nia, sàng, sịa...có thể làm quanh năm, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Sản phẩm cót được sử dụng làm ốp trần nhà, tấm lót đổ bê tông, quây làm cót thóc; nong dùng để phơi lúa thóc, nuôi tằm; sàng thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm; sịa dùng để phơi, sấy…
Ông Dương Khắc Lý (phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) hồi nhớ: "Nghề đan cót tại làng Giàng trước kia nổi tiếng khắp vùng quê, người từ nơi xa đến mua đông nườm nượp, chính vì thế người thợ đan cót làng Giàng có nguồn thu nhập ổn định, con cái được đầu tư học hành. Giờ, nghề đan cót làng Giàng đã hết thời…?".
Cót làng Giàng nổi tiếng trong ký ức
Nguyên liệu chính để tạo nên các sản phẩm như: Cót, nan, rổ, rá, thúng…chủ yếu được làm từ cây tre, nứa, vầu được mua từ các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) về.
Ông Dương Khắc Thành chuyên thu mua sản phẩm cho người dân xã Thiệu Dương, nay là phường Thiệu Dương cho biết: "Mỗi tháng gia đình tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng lên các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân... thu mua nguyên liệu, sau đó về khoán cho gần 200 hộ dân làm. Tôi nhớ, thời kỳ nghề cót thịnh vượng nhất ở đây, cơ sở của tôi có khoảng hơn 200 lao động, trừ chi phí gia đình thu nhập hơn 20.000.000 đồng/tháng".
Để tạo ra một lá cót hoàn thiện, nứa phải ngâm trong nước từ 15-20 ngày. Muốn lá cót có màu trắng ngà, bóng đẹp, nứa ngâm không quá 1 tuần, sau đó pha thành các thanh nhỏ 1,5-2cm rồi đem phơi ít nhất 3-4 nắng và chẻ tiếp thành nan. Chẻ nan là khâu khó nhất, sao cho mỏng đều, không giập, xơ...
Bà Lê Thị Hảo (thôn 3) chia sẻ: "Trước đây ở làng Giàng nhà nào cũng làm nghề đan cót, nghề đan cót ở đây chủ yếu người đi trước truyền đạt lại cho người đi sau. Thậm chí, trẻ em 5-6 tuổi đã biết đan các sản phẩm đơn giản nên cứ đi tới đâu nhắc cót làng Giàng là ai cũng biết".
"Người thợ đan cót phải linh hoạt, đôi bàn tay khéo léo nhằm tránh bị nứa cứa. Tôi thường những lúc nông nhàn mới nhận nguyên vật liệu về đan, có ngày tôi làm được từ 2-3 lá cót với mức thu nhập khoảng 150.000 đồng", bà Lê Thị Hảo thổ lộ.
"Nghề đan cót làng Giàng của địa phương xưa kia nổi tiếng lắm, thu nhập lúc đó của người dân từ nghề rất ổn định. Những năm gần đây, các vật dụng như: Cót, nong, nia, rổ, rá…làm từ thân cây tre, nứa, vầu cũng ít gia đình mua về làm vật dụng. Vì thế, nghề đan cót chỉ còn ít hộ tham gia, chủ yếu là người trung tuổi, người dân tranh thủ thời gian nông nhàn mới làm", ông Dương Đình Nghị-Bí thư Đảng ủy phường Thiệu Dương trao đổi với phóng viên Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.